‘Lục bát múa’ – Khúc hoan ca của những điệu luân vũ
Văn hóa - Ngày đăng : 12:51, 30/12/2016
Trần Lê Khánh sinh năm 1971, hiện đang là một trong những chuyên gia tài chính có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam. Anh đột nhiên cầm bút vài năm trước đây với những bài thơ ngắn, khúc chiết từng đăng trên website của Hội Nhà văn TP.HCM, tạp chí Sông Hương... Và rồi Lục bát múa bất ngờ ra đời…
Với 252 cặp lục bát, mỗi cặp được trình bày trên một trang riêng biệt, khi là hai câu thơ lúc là bốn câu thơ. Thiết kế trình bày là những nét phát thảo của họa sĩ Lã Quý Tùng. Những nét vẽ ấy, có khi là những bụi cỏ, chiếc lá; có khi là những nét mực chấm phá gây ấn tượng về thị giác. Tất cả hòa quyện vào nhau, vào những cặp lục bát vốn có sự khăng khít về vần điệu, về hình ảnh, thi tứ.
Tập thơ mang đến cho bạn đọc nhiều cách thưởng thơ: có thể đọc ngẫu nhiên một trang nào đó bất kỳ; hoặc cũng có thể đọc từ đầu đến cuối, thành một câu chuyện dài. Bước vào thế giới của Lục bát múa cũng là bước vào thế giới của những điệu luân vũ uyển chuyển, bay bổng. Những điệu múa ấy đến từ hạt bụi, từ lá cây ngọn cỏ, cũng có khi từ chính ngôn ngữ thơ. Và điệu múa ấy còn đến từ chính thể thơ mà tác giả Trần Lê Khánh đã lựa chọn.
Những câu thơ của Trần Lê Khánh ra đời, tự nhiên như hơi thở nhưng cũng đầy tính chiêm nghiệm, có tính triết lý và tính thiền trong đó:
“Hạt sương lắng đọng thánh thai
tái sinh vài giọt nắng phai hợt hời”
“trần gian, hạt bụi bay xa
khoác lá vàng nhỏ tưởng là đi tu”
Chỉ với hai câu lục bát nhưng Trần Lê Khánh đã mang đến những chiêm nghiệm sâu xa về cuộc đời, về chốn nhân sinh. Đôi lúc, ngòi bút của tác giả còn giống như nét cọ, mang đến cho bạn đọc vẻ đẹp của sự bằng an, hạnh phúc; hay vẻ đẹp tàn phai.
Những câu thơ của anh còn mang hơi hướng của sự trào phúng và thiền. Đôi khi những câu thơ của Khánh để lại khoảng trống mênh mông cho không chỉ tác giả mà còn cho cả bạn đọc:
“Mây bay nhấc ngọn núi lười
sao mây không nhấc loài người thành tiên
con đường nhỏ lượn bên trên
vòng vèo dĩ vãng nối liền mông lung”
Nói về tập thơ đầu tay của Trần Lê Khánh nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét: “Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh. Ở đấy, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi lại trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình”.
Tiểu Vũ