13 phong tục đón Giao thừa ‘chẳng giống ai’ trên thế giới
Du lịch - Ngày đăng : 09:44, 01/01/2017
Chile: Ở miền Trung Chile, vào đêm Giao thừa, người dân sẽ tập trung tại nghĩa trang, thắp nến để chào đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cùng những người thân yêu đã quá cố của mình.
Phong tục này bắt đầu từ năm 1995 khi một gia đình nhảy qua hàng rào nghĩa trang để vào đón Giao thừa cùng người cha quá cố. Đến nay, có rất nhiều người chào đón năm mới theo cách đặc biệt này.
Ireland: Ở Ireland, người dân sẽ dùng một ổ bánh mỳ đập vào cửa hoặc tường nhà vào đêm Giao thừa.
Estonia: Vào dịp năm mới, người Estonia sẽ cố gắng ăn thật nhiều với hy vọng sẽ có sức khỏe dồi dào trong năm mới.
Colombia: Khi đón Giao thừa, người dân Colombia thường đi lại trong nhà cùng chiếc vali rỗng với hy vọng sang năm mới họ sẽ có nhiều cơ hội đi đây đi đó.
Phần Lan: Trong những thời khắc của năm mới, người Phần Lan dự đoán tương lai thông qua hình dạng miếng thiếc nóng chảy. Nếu miếng thiếc biến dạng thành hình trái tim hoặc chiếc nhẫn sau khi được ném vào cốc nước thì có nghĩa là nó dự báo sẽ có đám cưới hoặc cuộc hôn nhân trong năm mới.
Peru: Ở ngôi làng nhỏ Santo Tomas của Peru Lễ hội thường niên Takanakuy diễn ra vào những ngày cuối cùng của tháng 12. Trong lễ hội này, người dân nhảy múa và uống rượu. Sau đó họ sẽ đấm thật mạnh vào mặt nhau, sau một cái ôm nhẹ.
Siberia: Vào đêm Giao thừa ở vùng Siberia (thuộc Nga), người dân sẽ mang theo một cái cây và lặn xuống đáy hồ Baikal để... trồng cây. Và những việc này chỉ những thợ lặn chuyên nghiệp mới có thể thực hiện vì hồ Baikal sâu nhất thế giới và họ phải lặn sâu ở nhiệt độ -23 độ C.
Nga: Người Nga có tục đón Giao thừa rất đặc biệt. Họ viết điều ước trong năm mới ra một tờ giấy, sau đó đốt nó đi, cho vào ly sâm-panh và uống trước khi đồng hồ điểm 0h1'.
Ý: Venice, Ý là một trong những thành phố lãng mạn nhất trên thế giới. Vào đêm 31.12, người dân địa phương và du khách sẽ tập trung tại Quảng trường St.Mark và trao nhau những nụ hôn lãng mạn để chào mừng năm mới.
Romania: Người dân Romania tin rằng động vật có thể nói tiếng người. Do vậy, vào đêm giao thừa họ thường tập trung và lắng nghe xem có nghe được bất cứ “lời nói” nào phát ra từ các trang trại gia súc hoặc các con thú cưng của mình hay không. Nếu không nghe thấy gì thì có nghĩa là trong năm mới nhiều may mắn sẽ đến với họ. Ngoài ra, ở đất nước này, người ta còn có tập tục mặc trang phục của gấu và nhảy từ nhà này sang nhà khác với mục đích là để xua đuổi quỷ dữ và mong một năm mới an lành, may mắn.
Nam Phi: Vào đêm Giao thừa, người dân Hillbrow, thành phố Johannesburg của Nam Phi, chào đón năm mới bằng cách vứt đồ đạc qua cửa sổ. Những gia đình ở các chung cư cao tầng cũng làm như vậy khiến nhân viên dọn vệ sinh và cảnh sát phải làm việc rất vất vả vào mỗi dịp đầu năm mới.
Argentiana: Người Argentina quan niệm, mặc quần lót mới màu hồng trong đêm Giao thừa sẽ giúp họ có tình yêu đẹp và cuộc sống gia đình tràn đầy hạnh phúc.
Thổ Nhĩ Kỳ: Cũng như người Argentina, người dân Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc mặc đồ nội y màu đỏ trong dịp năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn.
Nhật Hạ (TH)