Ngành điện nói chi phí điện bị 'đội' lên 4.692 tỉ đồng do giá than tăng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:51, 04/01/2017

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết một số chi phí đầu vào của sản xuất điện tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện. Việc giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24.12.2016 vừa qua sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỉ đồng.

Phát biểu tại "Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017" chiều 3.1.2017, đại diện EVN cho biết năm 2016, tập đoàn đã cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm 11%. Hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả trong điều kiện truyền tải cao liên tục tuyến Bắc - Nam; hoàn thành kế hoạch đầu tư các công trình nguồn và lưới điện với giá trị đầu tư 131.808 tỉ đồng, đạt 101,85% kế hoạch.

Trong đó, doanh thu bán điện củatoàn tập đoàn ước tính đạt 264.680 tỉ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015. Giảm tổn thất điện năng 7,7%(giảm 0,24% so với năm 2015);năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện, tính chung toàn tập đoàn tăng 11% so với năm 2015 (đạt 1,737 triệu kWh/người).

Song, năm qua, tập đoàn vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong nhiều lĩnh vực, đặc biệttrong vận hành hệ thống điện, tại một số khu vực có phụ tải tập trung cao ở miền Bắc và miền Nam vẫn chưa khắc phục được tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện. Số tai nạn lao động đã giảm nhiều so với năm 2015 (giảm 42%) nhưng vẫn còn ở mức cao.

Trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án, tiến độ một số dự án nguồn điện bị chậm so với kế hoạch. Thời gian thi công một số dự án lưới điện truyền tải bị kéo dài do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Còn tình trạng thiếu đồng bộ giữa các dự án 220kV, 110kV và trung thế. Công tác quản lý chất lượng và giám sát thi công xây dựng còn bộc lộ thiếu sót. Công tác xử lý các tồn tại sau khi phát điện một số dự án vẫn chậm.

Theo đó, năm 2017 EVN dự kiến điện sản xuất và mua đạt 197,2 tỉ kWh, tăng 11,4% so với năm 2016, gồm: điện sản xuất là 81,6 tỉ kWh, điện mua là 94,3 tỉ kWh; điện thương phẩm đạt 177,59 tỉ kWh, tăng 11,5% so với năm 2016. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn tập đoàn 7,6%; thời gian tiếp cận điện năng (các thủ tục của điện lực) là ≤10 ngày. Vốn đầu tư xây dựng đạt tổng giá trị 137.071 tỉ đồng; năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 8-10% so với năm 2016. Giảm 5-10% chi phí (trừ khấu hao cơ bản) để các đơn vị và tập đoàn sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho năm 2017, lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho tập đoàn và các đơn vị thuộc tập đoàn vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình điện; phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 nămgiai đoạn 2016-2020 của EVN, đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016-2020; phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017-2020;quyết định tăng vốn điều lệ của EVN lên 205.000 tỉ đồng.

Tập đoàn cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Hỗ trợ tập đoàn và kịp thời chỉ đạo các địa phương trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án điện.

Tuyết Nhung

tuyetnhung