Xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng nông nghiệp Việt vẫn là ‘cơ bắp’, ‘gia công’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 21:00, 04/01/2017
Phát biểu tại Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập doBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừatổ chức,Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 3 năm 2013-2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỉ USD, trung bình mỗi năm tăng 1 tỉ USD/năm, riêng năm 2016 ước đạt 32,1 tỉ USD.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, để đạt được những thành tựu trên, trước hết phải ghi nhận đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hiệp hội, hội. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo; có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la. Ba năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời ứng dụng chuyển giao vào sản xuất và được thực tiễn sản xuất tiếp nhận.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhận đinh, nền nông nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa hình thành được trụ cột về tổ chức sản xuất. Với 78 triệu mảnh ruộng và gần 14 triệu hộ sản xuất nhưng Việt Namchưa hình thành được các mô hình sản xuất hàng hóa lớn,giá bán không cao nên rất khó hội nhập.
GS, Viện sĩ Trần Đình Long,Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta tự hào là nước có 12 mặt hàng xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng hiệu quả quá thấp. Vì vậy nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp gia công, cơ bắp.
“Chúng ta có hàng trăm giống lúa nhưng chưa có giống quốc gia; có nhiều nông sản nhưng chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia . Bên cạnh đó việc tổ chức sản xuất còn kém nên hiệu quả sản xuất thấp” – GS Long nói.
Theo ông Long,nguyên nhân của tình trạng này một phần do nghiên cứu khoa học trong nước vẫn chưa phát triển mạnh, lại chủ yếu dựa vào nhà nước.Theo đó, Bộ NN-PTNT cần phải tận dụng tất cả nguồn nhân lực khoa học công nghệ, vừa tận dụng lực lượng khoa học công nghệ của các viện nghiên cứu, vừa tận dụng các nhà khoa học đã nghỉ hưu, các nhà khoa học ở các viện tư nhân.
GS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á-Thái Bình Dương cũng kiến nghị, Bộ NN-PTNT nên “khoán gọn” và đặt hàng cho nhà khoa học, nếu thẩm định không đạt thì các nhà khoa học phải trả lại tiền hơn là cấp tiền ngân sách để làm những công trình nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu thì rất hoành tráng nhưng sau đó lại xếp vào ngăn bàn.
Bên cạnh đó, ông Quý cũng cho rằng nên đầu tưmạnh tay cho công tác nghiên cứu giống, vì đây chính là khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng nông sản, mang lại sự chủ động cho nền sản xuất bền vững. Theo đó, Bộ NNPTNT có thể đặt hàng các nhà khoa học tạo ra các giống lúa chất lượng, năng suất cao, tập trung đầu tư hỗ trợ những giống tiên tiến nhất, tốt nhất nhằm đưa các giống này áp dụng rộng rãi; đầu tư đánh giá lại lộ trình, thực trạng tình hình sản xuất lúa gạo và các giống cây trồng chủ lực để đánh giá đúng thực trạng để áp dụng những quy trình kỹ thuật công nghệ phù hợp.
Ghi nhận những đóng góp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để phát triển ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Cần tăng cường liên kết chặt chẽ các nhà khoa học không chỉ của Nhà nước mà phải huy động được nguồn lực nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong đó có nông dân, tranh thủ hỗ trợ của quốc tế để tạo nên trào lưu mới trong ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
“Giai đoạn tới, trước thách thức biến đổi khí hậu, trước thách thức tái cơ cấu nền nông nghiệp dựa vào hộ nhỏ lẻ sang 1 nền nông nghiệp tập trung theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa thì không con đường nào khác là phải tập trung giải pháp khoa học công nghệ là then chốt” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong quá trình này, bộ trưởng cho rằng các nhà khoa học có vai trò hết sức quyết định, là “hạt nhân” để liên kết “4 nhà”. Bộ nông nghiệp sẽ hình thành cơ chế hợp tác, lập các diễn đàn để đón nhận được những ý tưởng, đề tài, chương trình tham vấn của các nhà khoa học để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thành công theo đúng định hướng phát triển của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.
Năm 2017, Bộ cũngsẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia: là những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉUSD trở lên;Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố: các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương để quy hoạch và phát triển theo hướng như sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; (Nhóm sản phẩm vùng/miền: là những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình "Mỗi làng, xã một sản phẩm".
“Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…”,Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hoàng Long