Phát triển tràn lan chung cư cao tầng trật tự giao thông càng nan giải

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:10, 04/01/2017

Đó là kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch UBATGT quốc gia tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Năm an toàn giao thông (ATGT) 2016 diễn ra sáng 4.1.2017.

Sau khi nghe Phó chủ tịch chuyên trách UBATGT quốc gia Khuất Việt Hùng và các địa phương báo cáo, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã kết luận hội nghị. Phó thủ tướng biểu dương các bộ, ngành tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2016.

Nói về nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, theo Phó thủ tướng, là do nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tăng cao so với năng lực kết cấu hạ tầng, cùng với sự phát triển tràn lan các chung cư cao tầng trong nội thành, phá vỡ quy hoạch, trong khi các dự án vận tải khách công cộng khối lượng lớn chậm tiến độ, tạo áp lực lớn cho giao thông đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, các trục giao thông chính và các đầu mối giao thông trọng điểm.

Không đạt chỉ tiêu Quốc hội đặt ra

Theo số liệu của UBATGT quốc gia, năm 2016, mặc dù đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với năm trước, nhưng năm 2016, toàn quốc vẫn xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm số người chết chỉ giảm gần 1/10 số người chết (tương đương 0,49%) trong khi đó, chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là giảm 5%.

TNGT do ô tô gây ra đang có xu hướng gia tăng - Ảnh minh họa

Ông Khuất Việt Hùng cho hay, năm 2016 có 40 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT. Tuy nhiên, 20 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với năm 2015. Các địa phương có tỉ lệ tăng cao là: TP.HCM (Số vụ TNGT tăng 5,6% và số người chết tăng 14,5%), Quảng Ngãi, Hòa Bình, Cao Bằng, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau có số người chết do TNGT tăng trên 10%.

Có đến 97,7% số vụ TNGT, 96,9% số người chết và 98,7% số người bị thương là do TNGT trên đường bộ.

Đáng chú ý là tỷ lệ TNGT liên quan đến ôtô có xu hướng gia tăng, đặc biệt là TNGT do lái xe ôtô gây ra chiếm 27,07% số vụ, trong khi số ôtô chỉ chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới.

TNGT do người điều khiển vi phạm phần đường, làn đường vẫn còn ở mức cao, trên 25%. Tình hình trật tự ATGT trên các tuyến đường cao tốc vẫn diễn biến phức tạp.

Cán bộ tiêu cực, dung túng, làm trái quy định

Ông Hùng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trên là do một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Một số thời điểm còn xuất hiện tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về ATGT. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương chưa đi vào thực chất.

Bên cạnh đó, một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là hạn chế về ý thức, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận chủ phương tiện, một số lái xe, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, ông Hùng nhấn mạnh, do hiệu lực và chất lượng trong công tác, thanh tra, kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa duy trì thường xuyên, liên tục. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định như vụ việc tiêu cực của Thanh tra Giao thông Vận tải tại Cần Thơ, Hà Tĩnh.

Xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Phó thủ tướng yêu cầu UBATGT quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” với các mục tiêu giảm TNGT từ 5-10% cả ba tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm số người chết do TNGT năm 2017 xuống dưới 8.500 người.

Kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Phó thủ tướng nêu rõ cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ, gắn kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong bảo đảm trật tự ATGT năm 2017 là Thường xuyên-Kịp thời-Thực chất-Dứt điểm.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự ATGT, cần tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, cương quyết đối với các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện...

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Xử lý nghiêm minh cán bộ thừa hành công vụ vi phạm đạo đức, vòi vĩnh trong cấp bằng lái xe, thanh tra công vụ, kiểm soát giao thông”.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể xây dựng nếp sống đạo đức văn minh đô thị, văn hóa nhường nhịn trong giao thông; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, các công trình hạ tầng như khu công nghiệp, khu dân cư... phải gắn với hạ tầng giao thông một cách hài hòa, khoa học, đáp ứng mục tiêu phát triển.

Đối với dự án xe buýt nhanh của Hà Nội, Phó thủ tướng cho rằng thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều, thành phố cần nghiên cứu việc phân luồng, tuyến hợp lý; đồng thời kiểm tra, xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi lấn đường, vi phạm, có đảm bảo trật tự giao thông mới có xe buýt nhanh.

Phó thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội và TP.HCM tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý, tổ chức và điều khiển giao thông, cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.“Chú ý vấn đề nghiêm túc trong hoạt động xử lý của người thi hành công vụ, chống tình trạng người vi phạm là gọi điện thoại cho người quen và lại có sự du di, chùn tay trong xử phạt hoặc lại có sự thoả thuận “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng xử phạt. Tình hình tiêu cực chủ yếu tập trung ở 2 thành phố này thôi” - Phó thủ tướng yêu cầu cần quán triệt cán bộ, công chức không can thiệp, không giúp xin xỏ cho người vi phạm.

Với đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Phó thủ tướng cho rằng đây là công trình quan trọng của quốc gia, liên quan đến vấn đề an ninh, Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm chỉ đạo việc mở thêm bến đỗ, đường lăn, tổ chức quản lý trật tự ATGT xung quanh sân bay, làm hồ điều tiết để chống ngập nước cho sân bay.

Nam Phong

Nam Phong