Vì sao NPC lập lờ trong vụ mua sắm 128.000 chiếc công tơ điện tử?

Sự kiện - Ngày đăng : 18:48, 04/01/2017

Việc xây dựng hồ sơ mời thầu và lựa chọn nhà thầu cung cấp 128.000 chiếc điện kế điện tử của NPC cũng như trả lời báo chí cho thấy đơn vị này đang đánh tráo khái niệm, mập mờ trong việc áp dụng quy định Nhà nước về đấu thầu.

Có dấu hiệu làm trái quy định trong việc mua công tơ điện tử hơn 180 tỉ đồng

Sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về nhiều bất thường trong gói thầu mua sắm 128.000 chiếc công tơ điện tử, Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí cho rằng đã thực hiện đúng quy định pháp luật về việc xây dựng hồ sơ mời thầu cũng như việc lựa chọn nhà thầu.

Theo NPC, với mục đích là “Mua sắm công tơ điện tử 1 pha có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ AMR phục vụ sản xuất điện năng 6 tháng đầu năm 2016”, đơn vị đã xây dựng hồ sơ mời thầu phù hợp với yêu cầu hàng hóa trong gói thầu là: “Xây dựng hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa và cung cấp công tơ điện tử 1 pha 1 giá có tính năng đo xa công nghệ RF trong hệ thống”. Theo đó, nhà thầu phải đề xuất cung cấp giải pháp công nghệ của hệ thống AMR theo công nghệ RF; mô tả hoạt động của hệ thống và tính năng của các phần tử trong hệ thống cùng với cung cấp công tơ điện tử.

Theo giải thích của NPC, hồ sơ mời thầu đã xác định rõ ràng hàng hóa của gói thầu chính là cả hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa; trong đó công tơ điện tử chỉ là một phần trong phạm vi cung cấp hàng hóa của gói thầu.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cán bộ NPC, cách giải thích như trên là lập lờ về khái niệm cũng như trong việc thực hiện theo Thông tư 05/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa.

Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu của NPC xác định rõ phạm vi cung cấp hàng hóa, gồm: Công tơ điện tử 1 pha 1 giá có RF, RF mesh loại 5(20)A: 81.000 cái; Công tơ điện tử 1 pha 1 giá có RF, RF mesh loại 10(40)A: 18.000 cái; Công tơ điện tử 1 pha 1 giá có RF, RF mesh loại 20(80)A 33.000 cái; DCU:500 cái; phần mềm thu thập dữ liệu và phần mềm cấu hình DCU do nhà thầu có trách nhiệm cung cấp miễn phí.

Từ bảng kê trên có thể thấy rõ tính chất của gói thầu này là “Mua sắm công tơ điện tử 1 pha 1 giá có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ AMR” đã xác định rõ chủng loại công tơ là 1 pha, công nghệ RF. Như vậy, theo Thông tư 05/2015 của Bộ KH&ĐT nói trên, yêu cầu “Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự” áp dụng cho gói thầu này phải là “Hợp đồng cung cấp công tơ 1 pha công nghệ RF”, và các Hợp đồng cung cấp công tơ 1 pha công nghệ RF này phải có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét, tức 82 tỉđồng.

Việc NPC chỉ đưa yêu cầu “Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự” cho gói thầu này là “hàng hóa là công tơ điện tử hoặc hệ thống thu thập số liệu công tơ” là trái với quy định của thông tư 05/2015 của Bộ KHĐT. Mặt khác, với những điều khoản do NPC đưa ra, có thể sẽ xảy ra các trường hợp nhà thầu không đủ năng lực, hàng hóa không đạt yêu cầu nhưng vẫn được chấp nhận.

Trên thực tế, như Một Thế Giới đã nêu, nhà thầu Liên danh IFC-TSI-ELCOM không trực tiếp sản xuất ra các điện kế điện tử mà do Công ty cổ phẩn quản lý năng lượng thông minh (PSMART) sản xuất. Trong hồ sơ mời thầu, nhà thầu Liên danh IFC-TSI-ELCOM không hề đề cập đến việc cung cấp hàng hóa chính là 128.000 chiếc công tơ điện tử mà chỉ có thành viên IFC chịu trách nhiệm cung cấp 500 DCU và hình thành hệ thống.

Trả lời báo chí, NPC cho rằng trong quá trình xét thầu, nhà thầu Liên danh IFC-TSI-ELCOM đã đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu và đã cung cấp 3 hợp đồng tương tự thực hiện hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa AMR bao gồm Hợp đồng số 3189/HĐDV/EVN CPC-IFC ngày 24.7.2012, trị giá 116,42 tỉđồng, ký với Tổng công ty Điện lực miền Trung; Hợp đồng số 12-13/SPC-LD (IFC & TSI)/HĐDV ngày 19.12.2013, trị giá 72,69 tỷ đồng, ký với Tổng công ty Điện lực miền Nam và Hợp đồng số 12-13/SPC-LD (IFC & TFI)/HĐDV ngày 26.12.2013, trị giá 145,38 tỷ đồng, ký với Tổng công ty Điện lực miền Nam. Như vậy, nhà thầu Liên danh IFC-TSI-ELCOM hoàn toàn đáp ứng yêu cầu năng lực kinh nghiệm của hồ sơ mời thầu.

Tuy nhiên, tìm hiểu của Một Thế Giới thì, cả 3 hợp đồng nêu trên là cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu công tơ điện tử 3 pha, giải pháp công nghệ là gắn modem kèm sim 3G/GPRS vào từng công tơ. Theo các Hợp đồng này, việc cung cấp công tơ là của ngành điện, còn nhà thầu không cung cấp công tơ, chỉ cung cấp các modem kèm sim 3G/GPRS rồi gắn vào các công tơ sẵn có của ngành điện đang treo trên lưới điện.

Đơn cử, hợp đồng số 3189/HDDV/EVNCPC-IFC ngày 24.7.2012, trị giá 116,42 tỷ đồng, ký với Tổng công ty điện lực miền Trung: Trong Hợp đồng đã quy định rõ nghĩa vụ của Bên A (tức Tổng công ty Điện lực miền Trung) là đầu tư công tơ điện tử có cổng giao tiếp thông tin RS232/485… còn bên B là IFC đầu tư và lắp đặt Modem GPRS/3G tại các điểm đo do Bên A yêu cầu; Đầu tư cáp kết nối Modem với các loại công tơ của Bên A theo chuẩn RS232/485; Đầu tư sim 3G/GPRS và thuê đường truyền đảm bảo kết nối và truyền số liệu TCP/IP cho các công tơ từ Modem về Trung tâm.

Từ những điểm nêu trên cho thấy giải pháp nhà thầu đã thực hiện ở các Hợp đồng đã trái với giải pháp đo xa công nghệ RF mà hồ sơ mời thầu của NPC yêu cầu. Do đó, các Hợp đồng này không thể được coi là Hợp đồng tương tự với loại hàng hóa của gói thầu.

Việc NPC lập lờ về quy định tại Thông tư 05/2015 để lựa chọn nhà thầu đã và đang gây bức xúc cho cán bộ NPC, gây ra khiếu kiện phức tạp trong nội bộ, rất cần sự vào cuộc của Tập đoàn Điện lực VN và Bộ Công Thương làm rõ.

Nam Phong

Nam Phong