Tiến sĩ nông nghiệp và ý kiến 'trái chiều' về tiêu chuẩn GAP
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:28, 07/01/2017
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông thôn (Trường đại học An Giang)tại hội thảo “Kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ lúa gạo” do Trung tâm vàSở Nông nghiệp-PTNT Sóc Trăng vừa phối hợp tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng.
Giải thích cho quan điểm trên, theo TS Kiền: “Chúng ta chạy theo các tiêu chuẩn GAP trong sản xuất lúa gạo để làm gì, khi người tiêu dùng ít khi quan tâm và hầu như không có một tổ chức nào đứng ra quảng bá cho tiêu chuẩn GAP, chứ đừng nói chi đến chuyện bảo đảm cho sản phẩm được gắn nhãn GAP sẽ được người tiêu dùng chấp nhận cao hơn so với sản phẩm khác”.
Ông Kiềnnhấn mạnh: “Vấn đề chính trong xây dựng thương hiệu lúa gạo chính là tên giống, tên sản phẩm của mình được chứng minh bằng thương hiệu, nguồn gốc, chất lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, chứ không nhất thiết phải là GAP".
Thời gian qua, nông dân nhiều HTX tại cáctỉnhthành… được ngành nông nghiệp phát động “chạy” theo việc công nhận tiêu chuẩn GAP. Trong khi đó, chi phí tư vấn và chứng nhận GAP trung bình khoảng 300 triệu đồng, với số hộ tham gia 20 hộ sản xuất trên diện tích khoảng 20ha, nhưng chỉ có giá trị trong thời hạn 1 năm. Chi phí tái chứng nhận trung bình bằng 1/3 chi phí ban đầu!
Có cần tốn kém như vậy để được công nhận tiêu chuẩn GAP? Ông Kiền nêu một số ví dụ, như gạo thơm Hoàng gia Thái Lan (Royal Thai), gạo Sunrice (Úc), gạo thơm Campuchia được bán trong các siêu thị, cửa hàng Á Châu tại Úc, hay một số số gạo đặc sản của Việt Nam như: Nàng thơm Chợ Đào, Tám thơm Hải Hậu và gần nhất là một số giống lúa thơm ST của Sóc Trăng… tất cả đều không có dòng GAP nào trên bao bì, nhưng vẫn được người tiêu dùng chọn mua nhiều so với một số chủng loại gạo khác.
TS Kiềnchia sẻ: “Đặc điểm chung của người tiêu dùng là tìm mua những sản phẩm quen thuộc, đã có uy tín trên thị trường theo tên gọi sản phẩm, tên doanh nghiệp hay theo xuất xứ, chứ ít khi quan tâm sản phẩm đó được sản xuất theo quy trình nào”.
Trở lại với thực tế tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, không khó để nhận ra cái lý của TS Nguyễn Văn Kiền. Cụ thể như loại gạo thơm ST20 của Sóc Trăng, dù không hề gắn mác GAP nào nhưng vẫn được tiêu thụ rất tốt, giá rất cao trong suốt những năm qua.Sở dĩ có được lợi thế trên là nhờ giống lúa này được chứng minh nguồn gốc rõ ràng (lai tạo tại Sóc Trăng), chất lượng thơm ngon (mùi thơm, độ dẻo, độ bền thể gien…) và an toàn vệ sinh thực phẩm (bởi nếu sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vậtnhiều thì hạt gạo sẽ không thơm, kém dẻo…).
Cái tên ST nói chung và ST20 nói riêng hiện là một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng khắp trong Nam ngoài Bắc trên phân khúc thị trường gạo cao cấp. Trong khi gạo ST luôn được người tiêu dùng đón nhận thì gạo từ những giống lúa khác, kém chất lượng hơn cho dù có sản xuất theo quy trình GAP nào đi chăng nữa cũng ít khi được người tiêu dùng ghé mắt đến.
Không nhất thiết phải chạy theo tiêu chuẩn GAP, nhưng không có nghĩa là chúng ta muốn làm như thế nào cũng được. Theo TS Nguyễn VănKiền: “Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, chúng ta phải xác định với nhau rằngsản lượng đã không còn là mục tiêu hàng đầu nữa, mà phải làm sao nâng cao được chất lượng, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng sản phẩm, thông qua việc chọn giống và hạn chế sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật.Khi làm được việc này, không chỉ sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa hơn, mà môi trường cũng được tốt hơn, đa dạng sinh học được phục hồi, giúp đa dạng nguồn thu nhập cho nông dân”.
Chuyện này làm không ít người liên tưởng đến nhận xét của TS Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) về việc áp dụng các tiêu chuẩn trong nuôi tôm nước lợ trước đây: “Các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam đều đưa ra một bộ tiêu chuẩn riêng, nên đôi lúcsản phẩm của chúng ta dù có đạt chuẩn VietGAP hay GlobalGAP họ cũng không quan tâm.Vì vậy, muốn sản xuất theo tiêu chuẩn nào, chúng ta phải xác định trước, sản phẩm của chúng ta sẽ được tiêu thụ ở thị trường nào, trong phân khúc nào, để áp dụng đúng theo tiêu chuẩn đó. Đừng máy móc”.
Sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là tốt vì ít nhiều nó cũng đảm bảo cho sản phẩm được an toàn vệ sinh thực phẩm hơn, nhưng việc chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ và nhất là chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm mới là điều quan trọng mà mỗi nhà sản xuất, nhà xuất khẩu cần quan tâm. Chỉ có như vậy, sản phẩm mới được thị trường chấp nhận và việc xây dựng thương hiệu mới mang lại hiệu quả đích thực.
Xuân Trường