Nữ sinh suýt chết vì lên cơn hen
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:55, 07/01/2017
Ngày 7.1, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cho hay nữ sinh rơi vào hoàn cảnh trên là T.T.Q (20 tuổi). Nữ sinh này được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng khó thở dữ dội, vã mồ hôi, tím tái…
Qua khai thác bệnh sử được biết nữ sinh Q. có tiền sử bị hen từ nhỏ, nhưng gần đây thấy khỏe nên tự ngưng thuốc, không khám lại. Một tuần gần đây, Q. có triệu chứng ho, hắthơi, nghĩ cảm nhẹ nên tự điều trị thuốc hạ sốt, thuốc ho tại nhà trong khi cùng gia đình tiếp tục du lịch nhiều nơi từ Bắc vào Nam. Cùng ngày nhập viện, nữ sinh này thấy ho nhiều nên uống tiếp thêm một liều thuốc ho nữa, không ngờ đến tối thì khó thở dữ dội, toàn thân tím tái phảichuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu – Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cho biết với triệu chứng trên cùng với tiền sử của bệnh nhân, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị hen phế quản nguy kịch. Rất may sau đó bệnh nhân đã được cấp cứu cấp thành công vượt qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩHậu sở dĩ bệnh nhân để xảy ra tình trạng hen phế quản nguy kịch là do chưa được kiểm soát bệnh hen tốt, kèm với tình trạng chủ quan khi bệnh cảm kéo dài cả tuần mà không được dùng thuốc đúng cách, di chuyển nhiều trong lúc sức đề kháng suy giảm, dễ bị bội nhiễm vi trùng. Bên cạnh đó, nữ sinh này còn dùng các thuốc ức chế ho không phù hợp làm ứ đọng đàm nhớt kích thích viêm, kích thích co thắt phế quản trầm trọng làm cơn hen bùng phát dữ dội, đe dọa tính mạng.
“Đối với người bệnh có bệnh lý mạn tính sẵn có, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp, nếu có bất kỳ triệu chứng của cảm hay cúm nào nên khám và tư vấn bác sĩ thật kỹ nhằm tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra. Người có bệnh mạn tính có thể chủ động tiêm ngừa cúm hằng năm tại các cơ sở y tế”, bác sĩ Hậu khuyến cáo.
Bác sĩ Hậu lưu ý bệnh cảm và cúm rất dễ hay nhầm lẫn. Do đó nếu người bệnh có các triệu chứng sốt cao khó hạ hay sốt kéo dài quá 3 ngày liên tục, đau rát vùng hầu họng không thể nuốt thức ăn, ho kéo dài quá 2 tuần dù các triệu chứng khác đã dứt hẳn thì nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Để phòng ngừa cảm, cúm hiệu quả, bác sĩ Hậu cho biết người dân nên chủ động vệ sinh tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn hay xà phòng; vệ sinh các đồ dùng trong gia đình có khả năng cầm nắm.
Bên cạnh đó, người dân nên tăng cường tập thể dục, ăn uống điều độ, nhiều rau xanh trái cây giúp tăng cường sức đề kháng hỗ trợ vượt qua các đợt cảm, cúm thật nhẹ nhàng, góp phần mang đến một kỳ nghỉ Tết khỏe mạnh.
Hồ Quang