Xem phim ‘Vợ chồng quê’, cười đi rồi… khóc

Văn hóa - Ngày đăng : 11:34, 08/01/2017

Giữa chộn rộn xuân về, giữa một rừng phim đua nhau ra rạp mùa tết, bạn nên (hoặc thử) bỏ ra 20 phút để xem một bộ phim hoàn toàn miễn phí có tên là “Vợ chồng quê” kể về những phận đời của người khiếm thị. Có thể tin rằng, ít nhất bộ phim cũng cho bạn 20 phút giải trí, và biết đâu, bạn sẽ nhận ra mình quá may mắn hơn so với rất nhiều người khác.

Vài ngay nay, trên trang mạng xã hội Yotube xuất hiện bộ phim ngắn Vợ chồng quê của đạo diễn trẻ Hoàng Minh Phi. Đây là phim ngắn nói về đời sống của người khiếm thị, những vất vả mưu sinh và những cạm bẫy, những lằn ranh mong manh giữa trắng – đen; thật – giả; lương thiện – mờ ám. Nhưng trên hết, phim mang lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều điều lắng đọng…

Phim ngắn Vợ chồng quê nằm trong khuôn khổ dự án Nơi nào dành cho em? do Câu lạc bộ Gánh hát Từ tâmTrường khiếm thị Nhật Hồng thực hiện. Đây là phim ngắn thứ 2 nằm trong serie phim ngắn nói về người khiếm thị. Đạo diễn Hoàng Minh Phi đã kể một câu chuyện, có vui, có buồn, nhẹ nhàng nhưng đủ để hút người xem theo mạch cảm xúc… cười đi rồi…khóc!

Một cảnh trong phim "Vợ chồng quê"

Cười, bởi câu chuyện được kể bằng chất giọng thật thà, rụt rè và có phần bị khớp của đôi vợ chồng trẻ khiếm thị khi được nhà báo phỏng vấn về cuộc sống mưu sinh và những khó khăn mà họ gặp phải. Cái cách giành nói, giành kể, bổ sung, đính chính cho nhau của đôi vợ chồng đủ để người xem cảm nhận họ đúng là nhà quê rặt, đúng tâm lý nhận vật, nghĩa là sau giây phút bị “khớp” thì họ tự tin hơn. sôi nổi và hào hứng hơn. Cái cách một người kể một người phụ họa đủ cho người xem cảm giác họ rất yêu thương nhau, và không có khó khăn nào có thể làm họ nhụt chí.

Diễn viên của bộ phim giao lưu với các em học sinh khiếm thị

Cười, bởi người xem bị “lây” cái tinh thần lạc quan của đôi vợ chồng trẻ. Họ luôn cười, luôn nắm tay nhau, luôn biết cách pha trò để làm vui lòng nhau hoặc giảm bớt lo lắng cho nhau… khiến người xem cảm giác như thể họ chưa bao giờ bi quan trong cuộc sống, chưa bao giờ rối trí hoặc hoài nghi về con đường mình đã chọn, về ngày mai của mình; như thể những khó khăn đến với họ mỗi ngày cũng là chuyện bình thường thôi!

Khóc, bởi những người khiếm thị, người khuyết tật nói chung, đã là người bất hạnh lắm rồi, vậy mà số phận, cuộc sống còn đẩy đưa họ gặp rất nhiều trớ trêu, thử thách. Đi làm massage bấm huyệt thì, hoặc là bị chê người khiếm thị không thấy đường, làm không tới; hoặc là bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường tội lỗi. Đi bán vé số thì bị lừa tráo vé số giả, bị giật mất. Khóc khi thấy họ dò dẫm về nhà với đôi bàn tay trắng và một ngày mai tối sầm, hay ngồi thất thần dưới gốc cây, bên vệ đường để cố suy nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra, và tại sao lại xảy ra với mình. Khóc khi thấy họ bị gạt mà không biết hoặc không thể kháng cự; khóc khi thấy họ bị lừa đánh tráo vé số giả, rồi vô tư cầm xấp vé số đi mời người khác để rồi nhận được một câu phán, rất nhẹ nhàng mà đau thấu trời xanh: “… Tính mua ủng hộ, mà gian manh quá, hỏi sao trời không thương…”.

Đoàn làm phim "Vợ chồng quê" giao lưu với các em học sinh trường khiếm thị Nhật Hồng

Cười rồi khóc, rồi lại cười khi kết phim. Không phải cười vì vui, vì thấy đôi vợ chồng trẻ đó cuối cùng cũng đã ổn định cuộc sống và hạnh phúc bên nhau (cái kết này cũng thường thôi mà), nhưng cười chính mình. Những tưởng đã có thể chê đạo diễn non tay khi xử lý chưa “tới” ở nhiều tình huống, nhiều phân đoạn để có thể lấy nước mắt khán giả nhiều hơn… Nhưng hóa ra, tất cả đều nằm trong ý đồ của đạo diễn. Hình ảnh ánh mắt chớp chớp, ráo hoảnh của Quyên (diễn viên Kiều Liên) khi bị khách hàng từ chối cơ hội được làm nghề; hình ảnh Quyên đứng bất động, im lặng nhìn lên trời khi bị khách mua vé số chửi… rất dễ đẩy lên cao trào, vỡ òa. Nhưng Hoàng Minh Phi đã không xử lý như thế. Thứ nhất, anh muốn người xem phải khóc cho số phận, cho nỗi đau của nhân vật mình; Thứ hai, anh muốn nhìn nhận mọi vấn đề một cách nhẹ nhàng, nhân văn chứ không gay gắt, không bi kịch hóa.

Dấu ấn “cao tay” của đạo diễn Hoàng Minh Phi còn ở chỗ anh để cho nhân vật của mình kể chuyện chứ không diễn, không cường điệu, không điện ảnh. Những cách nói chuyện tự nhiên, nói sai, nói lắp; cách đi đứng, ăn uống… có thể trên phim sẽ bị “phô”, nhưng rất đời, rất thật. Tiếng sáo được chọn làm nhạc phim cũng vậy, nó đứt quãng, nó chông chênh chứ không du dương, ngọt ngào hay da diết lòng người…

Giữa chộn rộn xuân về, giữa một rừng phim đua nhau ra rạp mùa tết, bạn nên (hoặc thử) bỏ ra 20 phút để xem Vợ chồng quê. Ít nhất bộ phim cũng cho bạn 20 phút giải trí và biết đâu, bạn sẽ còn phát hiện nhiều điều thú vị khác, nhiều điều muốn nói hơn cả bài viết này…

Xem phim ngắn"Vợchồng quê":

Tiểu Vũ – Mai Vy

Tiểu Vũ