'Hàng nóng' được chào bán trên mạng, xã hội bất an
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:36, 11/01/2017
Trong những năm gần đây, liên tục xảy ra những vụ án gây chấn động dư luận như thảm sát 6 người ở Bình Phước, cướp Ngân hàng BIDV tại Huế…Thủ phạm trong các vụ án này đều có trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặcsúng đạn. Tại cơ quan điều tra, các hung thủ khai nhận việc mua các công cụ hỗ trợ, vũ khí rất dễ từ các... mạng xã hội, website mua bán trực tuyến.
“Siêu thị hàng nóng” trên mạng xã hội
Chỉ cần “lượn” một vòng trên mạng xã hội Facebook với các từ khóa như “vũ khí tự vệ, súng ngắn, chợ vũ khí…” người tadễ dàng thấy hàng chục page (trang) với vô số hình ảnh về “hàng nóng”.
Trong vai người mua vũ khí, phóng viên Báo điện tửMột Thế Giới đã liên lạc với chủ sốđiện thoại 09114754… hỏi về súng lục côn xoay với 6 viên đạn, người này báo giá 5 triệu đồng. Tiếp đó, chủ hàng cònbáo giá về súng RG 90, băng 7 viên đạn với lời giới thiệu “RG 90 kích thước190 x 110 x 2,5cm, trọng lượng520 gr, chất liệuthép cao cấp toàn thân, chống trầy, chịu lực tốt, băng đạn 7 viên, cỡ đạn 9mm, cal 3.15mm, tầm chính xác 20 - 30m, sử dụng đầu đạn cao su, đầu đạn hơi cay và đạn nổ uy hiếp, trang bịkhóa an toàn, bao da đeo, bộ vệ sinh súng, xuất xứnhập khẩu chính thức hãng Rohm Đức, giá niêm yết5 triệu rưỡi”.Khi được hỏi về độ sát thương của súng, người này khẳng định "bắn không chết cũng bị thương, súng cực mạnh, có thể áp chế người khác cảtinh thần lẫn sức khỏe".
Trên một trang khác, những cây mã tấu tùy vào độ dài ngắn khác nhau, dao găm, dao bấm cũng được chào bán với những hình ảnh khá “sắc” với giá từ 200 nghìn đồng cho đến hơn 1 triệu đồng. Súng K59 được cho biết giá sẽ dao động tùy theo số lượng đạn mua thế nào. Về đạn của súng K59,mua lẻ giá 20 nghìn đồng/viên, mua hộp 50 viên giá 750 nghìn đồng. Mua càng nhiều thì giá sẽ càng rẻ.
Có những loại vũ khí được cho là khá tinh vi nhưsúng bút bi với giá 1,2 triệu đồng, bao gồm đạn. Kìm điện cũng được chào bán với giá 900 nghìn đồng. Súng M1911 giá 3,2 triệu… Có thể nói, chỉ cần người có nhu cầu vào những trang mạng này đều có thể tìm được những loại công cụ, vũ khí hỗ trợ có tính sát thương cực cao một cách dễ dàng.
Phương thức giao dịch giữa các nơi bán này khá giống nhau, họ đều đề cao sự an toàn cho mình.Theo tìm hiểu, các đối tượng mua bán vũ khí khá tinh vi, phương thức hoạt động kín kẽ:Chúng bắt người mua chuyển tiền đặt cọctrước vào tài khoản, mà thường tài khoản này không phải của chúng. Sau đó chúng thuê chân rết đi giao hàng và lấy phần tiền còn lại. Nếu gặp phải lực lượng chức năng thì kẻ giao hàng xem như là dạng thí chốt, kẻ chủ mưu không hề hấn gì.
Theo những người chào bán "hàng nóng", đây là hàng ngoại nhập 100% từ Nga, Đức và đặc biệt là Trung Quốc. Khi bị nghi ngờ về xuất xứ, những người này khẳng định "bao kiểm tra vì đây là hàng xịn". Trên thực tế thì các loại đồ này hầu hết đều là hàng nhập lậu từ biên giới về.
Hệ lụy khôn lường
Trong vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước, 2 hung thủ Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến khi đi gây án cũng mang theo các hung khínhư súng bắn bi, súng điện, dao… để gây án. Chính việc sở hữu trái phépvũ khí, công cụ hỗ trợ đã tiếp tay chochúng có thểthực hiện hành vi tội ác đến cùng một cách man rợ.Vừa qua lại xảy ravụ bắn người tại quận 11, TP.HCM đang khiến cơ quan chức năng đau đầu, dư luận xã hội hoang mang. Còncó rất nhiều vụ án mà hung thủ sử dụng các loại dao, mã tấu, công cụ hỗ trợ và súng. Nếu không thể tiếp cận với nguồn hàng nóng thì chúng đã không thể gây nhức nhối cho xã hội như hiện giờ.
Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã phanh phui nhiều đường dâymua bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trái phép. Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn nên nhiều người vẫn bất chấp pháp luật và hệ lụy nguy hiểmđể kinh doanh trái phépmặt hàng này. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn để dẹp loạn thị trường 'hàng nóng' trên mạng, đem lại bình yên cho xã hội.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biếthành vi tàng trữ, mua bán các loại súng thuộc công cụ hỗ trợ, theo điểm a khoản 9 điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nếu vi phạm thì tùy mức độ, hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính theo điều 10, Nghị định số 167 ngày 12.11.2013 quy định mức phạt tiền tối đa lên đến 40 triệu đồng (đối với cá nhân), 80 triệu đồng (đối với tổ chức); hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 233 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam.
Đối với cá nhân sở hữu, sử dụng loại súng bắn ra đạn sắt có độ sát thương cao thì với tính năng, tác dụng gần giống như súng cầm tay hạng nhỏ, những loại súng này có thể được xem là vũ khí quân dụng.
Dùng bưu điện giao hàng
Cuối tháng 10.2016,một đường dây mua bán trái phép vũ khí thô sơ, các loại công cụ hỗ trợ, được tổ chức giao dịch trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Waiber, Line,... rồi lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh (hình thức COD) của bưu điện để giao hàng, đã bị Phòng CSĐT tội phạm hình sự Công an TP Hải Phòng phát hiện, triệt phá.
Thủ đoạn hoạt động của đường dây này là lên chợ Đồng Đăng thuộc tỉnh Lạng Sơn, mua với số lượng lớn các loại vũ khí thô sơ như: dao, kiếm, đao, côn 3 khúc và các loại công cụ hỗ trợ như: dùi cui điện, súng điện, đèn pin chích điện, ĐTDĐ chích điện,... có thể gây tê liệt người bị hại, giá thành từ 300 nghìn đồng đến 7 triệu đồng.
Đây là vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ mà bọn tội phạm đã từng sử dụng, gây ra nhiều trọng án. Sau khi nhập hàng, các đối tượng bọc kín, ngụy trang và đưa lên xe ô khách chở về Hải Phòng. Thông qua các trang mạng xã hội, các đối tượng chào hàng công khai, rộng rãi.
Để khỏi bị cơ quan chức năng nghi ngờ, sau khi thống nhất giá cả với khách, chúng chia lẻ hàng ra, chuyển cho khách qua nhiều bưu điện khác nhau, đồng thời thu ngân thông qua dịch vụ bưu điện, do quy định của dịch vụ mà nhân viên bưu điện không thể phát hiện. Đối với khách hàng ở khu vực nội thành Hải Phòng, các đối tượng trực tiếp vận chuyển giao hàng và thu tiền.
theo báoCông an TP.HCM