Trải nghiệm biệt dược làm đẹp của phụ nữ Myanmar
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:12, 11/01/2017
Biệt dược làm đẹp 2.000 năm tuổi
Thanakha là tên một loại cây thân gỗ, mọc rất nhiều ở Myanmar và được xem như là sản vật đặc trưng của vùng đất này. Những đoạn thân cây với đường kính 3 -15 cm được coi như đạt chuẩn về tuổi thọ để có thể sử dụng. Người Myanmar hơn 2.000 năm trước đã biết thấm nước, mài bột của loại cây này và bôi lên da ở những vùng nhạy cảm để bảo vệ làn da dưới nền nhiệt nắng nóng và khắc nghiệt. Myint Myint Lay, một phụ nữ lớn tuổi mà chúng tôi gặp ở một ngôi chợ Bagan (Myanmar) cho biết, bột thanakha dùng tốt nhất là khi được mài thô, và đó cũng là cách sử dụng truyền thống nhất của phụ nữ nơi đây.
Theo đó, mỗi cô bé từ khi còn nhỏ xíu đã được bố mẹ sắm cho một chiếc bàn mài bằng đá sa thạch tròn và nhỏ bằng lòng bàn tay. Chỉ cần mua một khúc gỗ thanakha, chấm một đầu vào trong nước và sau đó mài tròn theo chiều kim đồng hồ, sẽ có được một lớp nước sền sệt trắng ngà. Thấm hỗn hợp này vào ngón tay hoặc cọ và vẽ lên mặt ở những điểm nhạy cảm như hai gò má, chóp mũi, cằm, trán. Nếu trời nắng gắt, có thể dùng bột nước thanakha để bôi lên mặt trên của bàn tay, bàn chân, thậm chí cả cánh tay. Biệt dược này ngoài khả năng làm mát dịu làn da còn giúp da chống nắng, ngăn nám, sạm da, dưỡng da, ngừa mụn… và chống lão hóa.
Du khách thích thú trải nghiệm vẽ phấn thanakha lên mặt - Ảnh: An Dy
Hiện tại, ngoài cách dùng truyền thống nói trên, bột thanakha cũng được cô đặc ở dạng kem đựng trong hộp nhựa, hay sấy khô như những chiếc bánh in nhỏ nhắn, hoàn toàn không có hóa chất công nghiệp. Các cô gái bỏ chúng vào những chiếc túi nhỏ, khi cần hòa chung với một ít nước là có ngay bột nước thanakha để vẽ mặt.
Và qua hàng ngàn năm, chính sự trung thành của phụ nữ Myanmar đối với biệt dược làm đẹp này đã chứng minh cho những công dụng “thần thánh” của nó đối với phái đẹp. Đi khắp đất nước Myanmar, đâu đâu bạn cũng có thể dễ dàng gặp những cô gái có một vệt phấn trắng như thoa sơn trên má thật duyên dáng và nữ tính. Riêng những vùng đất lưu giữ và bảo tồn rõ nét những giá trị văn hóa hàng nghìn năm như Bagan, Mandalay, Inle… thì hầu như người nào ra đường cũng thoa phấn thanakha, từ những cô gái trẻ đến phụ nữ lớn tuổi, từ bé gái đến bé trai và cả những nam thanh niên.
Gỗ thanakha, bàn mài phấn và những hộp phấn thanakha được bày bán khắp các chợ ở Myanmar
Với người Myanmar, văn hóa thanakha không chỉ dùng để trang điểm trên khuôn mặt khi ra đường mà loại biệt dược này cùng được sử dụng như những mỹ phẩm đặc thù như kem chống nắng, kem dưỡng da, tẩy tế bào chết, trộn cùng các loại bột nghệ, thảo dược để đắp mặt nạ… nuôi dưỡng làn da khỏe khoắn.
Muôn kiểu trải nghiệm Thanakha
Ngay khi xuống sân bay Yangon, chúng tôi đã bị thu hút bởi những cô gái có làn da rắn rỏi, khỏe mạnh với vệt phấn trắng trên mặt. Nhưng phải đến khi chờ xe buýt ở bến xe Yangon chúng tôi mới sở hữu được một hộp phấn thanakha, dù vẫn chưa biết sẽ dùng thế nào.
Cho đến khi chúng tôi đặt chân đến cố đô Bagan, hầu khắp những người chúng tôi gặp họ đều đẹp rất tự nhiên với những vệt phấn trắng trên mặt. Rồi cả những du khách cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau đều chọn thanakha như là cách để hòa nhập, trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa.
Một cặp thanh niên người Tây Ban Nha nắm tay nhau đi bộ trước đền Mahabodhi, trên má họ là những chiếc lá dễ thương được vẽ bằng phấn thanakha. Hỏi ra mới biết họ vừa được một người phụ nữ địa phương vẽ giúp bằng một que tăm nhỏ. Ngay lập tức, khát khao trải nghiệm về loại phấn đặc biệt này đã níu chúng tôi đến tiệm tạp hóa nhỏ xíu của bà Ma Myat Kay Aung.
Người phụ nữ ở tiệm tạp hóa lấy khúc thanakha mài lên bàn đá và lần lượt vẽ mặt cho chúng tôi. Tùy theo sở thích của mỗi người để trải nghiệm những hình vẽ khác nhau trên mặt như hình vuông, hình tròn, mặt trời, mặt trăng, hình thú… nhưng hình chiếc lá là dễ thương và khá phổ biến. Người phụ nữ dùng ngón trỏ để quệt phấn bôi trên mặt, sau đó dùng que tăm vẽ sống lá rất nhanh và vô cùng sinh động. Nhiều du khách ở Bagan còn linh động vẽ những hình vẽ ngộ nghĩnh lên cánh tay, bàn tay và thích thú phơi nó dưới ánh mặt trời.
Từ khi làm quen với thanakha, những ngày lang thang của chúng tôi trên đất nước chùa tháp có phần dễ chịu hơn khi có thể thoải mái phơi mình dưới nắng, tối về còn có biệt dược thiên nhiên để dưỡng ẩm, làm dịu và phục hồi làn da. Đặc biệt hơn cả là cảm giác mang khuôn mặt ngồ ngộ đi khắp nơi, và nhận lại những nụ cười dễ thương, thân thiện, ấm áp của những người bản xứ…
Theo An Dy/Thanh Niên