Sex, cảnh nóng, bạo lực... liệu có tràn ngập phim Việt?
Văn hóa - Ngày đăng : 08:31, 14/01/2017
Từ ngày 1-1-2017, phim Việt áp dụng 4 mức độ dán nhãn, đó là P (Phim phù hợp với khán giả mọi lứa tuổi), C13 (Phim cho khán giả từ 13 tuổi trở lên), C16 (Phim cho khán giả từ 16 tuổi trở lên), C18 (phim cho khán giả 18 tuổi trở lên). Việc dán nhãn phim được coi là một động thái tiến bộ của cơ quan quản lý, mang đến cơ hội sáng tạo cho đạo diễn và cơ hội thưởng thức tác phẩm nghệ thuật một cách trọn vẹn cho khán giả.
Trước đây, chúng ta chỉ có dán nhãn 16+ (cấm khán giả dưới 16 tuổi), khiến nhiều phim phải “ngậm ngùi” cắt bỏ hoặc không ra rạp được vì nhiều cảnh nóng, bạo lực không phù hợp với lứa tuổi dưới 16. Còn nhớ, phim “Bụi đời chợ Lớn” của đạo diễn Chalier Nguyễn, sau nhiều lần cắt bỏ những cảnh bạo lực vẫn bị cấm ra rạp. Còn “Bi đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di công chiếu trong tình trạng nhiều cảnh nóng bị cắt bỏ, không còn là tác phẩm hoàn thiện.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc dán nhãn 18+ sẽ khiến phim Việt có nguy cơ tràn ngập cảnh nóng, bạo lực, một chiêu trò hút khách của dòng phim giải trí. Nhưng thực tế, cảnh nóng đã không còn là điều xa lạ với khán giả hiện nay. Và chắc chắn họ xem phim không phải vì tò mò mà để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Có một thời, cứ sex, bạo lực là cấm khiến nhiều đạo diễn dở khóc dở cười khi phải cắt bỏ đứa con tinh thần của mình để ra rạp. Tuy nhiên, trong thời đại internet, một cú click chuột, khán giả đã có thể xem trọn những bộ phim bị cấm hoặc cắt. Càng cấm càng khiến khán giả tò mò. Thế giới đã phẳng và mọi sự cấm đoán đều kém hiệu quả.
Cảnh nóng, nếu không phù hợp với tổng thể phim, chuyển tải một thông điệp nhân văn nào đó, nếu chỉ gợi dục, sẽ không qua được con mắt xanh của các nhà quản lý. 18+ là lứa tuổi đã trưởng thành, họ có đủ hiểu biết, nhận thức để tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Trước đây, chúng ta sợ nên cấm nhưng việc cấm đoán đó thực chất chỉ trên bề mặt và hình thức mà thôi. Và vô hình chung, nó cản trở khả năng sáng tạo của đạo diễn. Chính đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trong một trả lời phỏng vấn cũng cho rằng: “Cảnh nóng trên màn ảnh Việt được cởi trói, dù muộn so với thế giới thì đó vẫn là một tín hiệu đáng mừng đối với khán giả và nhà làm phim. Khán giả 18+ đã ở tuổi trưởng thành, tại sao lại cấm họ xem những cảnh nóng hay bạo lực”.
Xem ra, sắp tới khán giả sẽ có nhiều món ăn hấp dẫn hơn để thưởng thức. Và việc dán nhãn 18+ chỉ nới rộng biên độ cho nhà sản xuất về cảnh nóng, bạo lực phù hợp với lứa tuổi chứ không có nghĩa, đó là cơ hội cho những tình huống phản cảm, gợi dục.Thực tế lâu nay, các nhà kiểm duyệt vốn vẫn hay soi cảnh nóng ở những bộ phim mang tính giải trí, thị trường. Bởi cảnh nóng trong những bộ phim này thường thiếu tính nghệ thuật. “Những gì thiếu thẩm mỹ, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam Namcũng sẽ bị cắt bỏ. Việc dán nhãn giúp cho đạo diễn, các nhà làm phim tự biết giới hạn khán giả của mình, nhưng không phải họ muốn làm gì cũng được. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực có những giá trị chuẩn mực của nó”, Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần : Không có sự tự do tuyệt đối
Việc dán nhãn cho phim là theo thông lệ quốc tế, chúng ta cần phải làm, bởi từ trước đến nay chỉ có 16+, thiệt thòi cho khán giả và nhiều nhà làm phim khi phim bị cắt bỏ. Quy định này cũng tạo thuận lợi cho nhà sản xuất họ có định hướng từ đầu là sẽ chọn làm phim hướng tới đối tượng khán giả nào.
Về khán giả, cũng có lợi khi lựa chọn vì đã có những tiêu chí rõ ràng. Hội đồng duyệt phim của năm nay sẽ không chỉ có các nhà chuyên môn mà còn có đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, Đoàn Thanh niên, đại diện Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội để lựa chọn những phim phù hợp với các lứa tuổi.
Ngoài ra, khi duyệt phim nhập ngoại, ta cũng tham khảo các nước trong khu vực xem họ dán nhãn như thế nào để làm thông số tham khảo. Chính các nhà sản xuất có thể tự lựa chọn phim của họ chiếu cho đối tượng nào.
Vừa rồi, có một bộ phim khi duyệt bị dán nhãn 16+ nhưng nhà sản xuất đã xin không bị hạn chế đối tượng để chiếu cho dưới cả 16+ vì như thế doanh thu sẽ tốt hơn, vì thế họ chọn cách cắt bỏ một số đoạn bạo lực trong phim.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lo lắng rằng, việc dán nhãn 18+ có khiến cho phim Việt sẽ ngập tràn cảnh nóng và bạo lực, vốn là một chiêu câu khách của nhiều nhà sản xuất. Nhưng tôi được biết, 18+ không có nghĩa là chúng ta muốn đưa bất cứ cảnh nào vào phim cũng được, Luật Điện ảnh đã có những quy định cụ thể về những giới hạn của hình ảnh sex và bạo lực, tiếng động trong phim như thế nào.
Thực tế cũng sẽ có tranh luận giữa hội đồng duyệt và nhà sản xuất để đưa ra một sản phẩm tốt nhất. Không có sự tự do tuyệt đối ở đây. Tôi thấy có một xu hướng rất hay mà các nhà làm phim ở Việt NamNam cần học. Đó là vừa qua chúng tôi duyệt một bộ phim về La Mã cổ đại, nhiều cảnh đầu rơi máu chảy được xử lý bằng công nghệ 3D rất kinh khủng.
Chúng tôi đã yêu cầu không phát hành ở Việt Nam Nam hoặc nếu phát hành thì phải cắt bỏ những đoạn bạo lực. Một tuần sau, chính bên nhà sản xuất đã gửi tới một phiên bản khác, tức khi làm phim họ đã định liệu trước bộ phim của họ chiếu ở đâu và có những phiên bản khác nhau phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ của các nước như Trung Đông hay Châu Á.
Như vậy nhà sản xuất đã chủ động ứng xử với các tình huống phát hành. Các nhà làm phim của Việt Nam Namcũng nên có định hướng cụ thể, rõ ràng cho mình khi làm phim để tránh tình trạng phim bị cắt bỏ và loay hoay với việc dán nhãn mác nào.
Đạo diễn Phan Đăng Di: Khán giả sẽ là màng lọc tốt nhất
Dãn nhãn cho phim một cách cụ thể như vậy sẽ tránh được việc cắt bỏ phim khiến các tác phẩm nghệ thuật không còn trọn vẹn, bởi khi đưa bất cứ cảnh nào vào phim, đạo diễn đều có ý đồ riêng của mình.
Tuy nhiên, dán nhãn phim nghĩa là nhà sản xuất chấp nhận bị hạn chế về đối tượng khán giả. Nhưng việc bị đánh mất khán giả dẫn đến thất thu sẽ là bài toán đối với các nhà làm phim, đặc biệt là phim thị trường. Vì thế, họ sẽ phải cân nhắc khi thực hiện các cảnh nóng hay bạo lực.
Nhiều ý kiến cho rằng dán nhãn 18+ sẽ khiến phim Việt tràn ngập cảnh nóng, bạo lực. Thực tế không phải vậy. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên cởi bỏ tư duy kiểm duyệt phim một cách cứng nhắc. Phản cảm hay không phản cảm, hãy để cho khán giả tự trả lời.
Nếu khán giả chấp nhận được thì có nghĩa chúng ta không nên quá lo lắng, bởi mục đích của phim là đến được với khán giả. Chúng ta càng cấm, khán giả càng tò mò. Thời đại của internet, chỉ một cú click chuột, khán giả đã có thể xem những gì họ muốn.
Tôi muốn kể câu chuyện khi phim “Bi, đừng sợ” sang chiếu ở Thụy Sĩ, một trường học đã chọn phim này chiếu cho học sinh từ 14-16 tuổi. Tôi phân vân bởi phim có nhiều cảnh nhạy cảm.
Nhưng khi trình bày thắc mắc của mình thì Hội đồng giáo dục nhà trường trả lời rằng, họ đã xem và quyết định chọn “Bi, đừng sợ” chiếu cho 600 học sinh xem, lý do họ đưa ra là học sinh ở tuổi đó cần phải biết những sự thật về cuộc sống, gia đình, không nhất thiết phải là những sự thật ngọt ngào. Rõ ràng, chúng ta đâu có ngăn cản được sự tiếp nhận của các bạn trẻ.
Nếu chúng ta lúc nào cũng ôm khư khư một nỗi lo rằng: phim nhạy cảm, phản cảm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục thì không bao giờ chúng ta phát triển được. Cần sự tự do về cơ chế để người nghệ sĩ có được trạng thái tự do khi sáng tạo.
Song song với việc đó, chúng ta cần chuẩn bị về mặt giáo dục, giúp giới trẻ biết thanh lọc những cái tốt- xấu, biết tự giới hạn cho mình. Điều đáng sợ là nền điện ảnh của chúng ta không có gì để khoe với thế giới và chúng ta mãi mãi đi bên lề của điện ảnh thế giới.
Việt Hà/CSTC