Tiền thưởng Tết và thuế thu nhập cá nhân
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:45, 17/01/2017
Khi thời gian đếnTết Đinh Dậu 2017 chỉ còn tính bằng ngày thì có lẽ chẳng còn mấy ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế nữa. Khi ngay cả những báo cáo kinh tế cuối cùng của năm cũ như báo cáo vĩ mô quý 4/2016 cũng hầu hết được công bố để các chuyên gia kinh tế còn… ăn Tết, thì có lẽ vấn đề thuộc phạm trù kinh tế được đông đảo người dân Việt Nam quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là câu chuyện thưởng Tết.
Làm lụng cả năm, ai cũng mong muốn và hy vọng được nhận một khoản thưởng xứng đáng để chi tiêu trong dịp nghỉ lễ quan trọng nhất năm; và khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thu nhập người dân ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng đông thì có lẽ ai cũng nghĩ thưởng Tết cũng sẽ tăng lên theo. Nhưng thực tế thì có lẽ không hoàn toàn như vậy. Những bất cập và chưa thực sự phù hợp của các quy định thuế, đặc biệt là thuế TNCNdường như đang thực sự trở thành một mối đe dọa đối với các khoản thưởng Tết của người lao động.
Không phải ngẫu nhiên mà cứ đến dịp Tếtthì câu chuyện về sự bất hợp lý của các quy định thuế TNCN lại trở nên ồn ào hơn bao giờ hết, vì đơn giản đây là thời điểm sự thiếu hợp lý này được đẩy lên mức cao nhất, dù nó đã âm ỉ trong suốt cả một năm trước đó. Theo đó, quy định của thuế TNCN hiện nay đánh thẳng vào khoản thu nhập được chờ đợi nhất và quan trọng nhất đối với đông đảo người dân Việt Nam mỗi dịp Tết: thưởng Tết.
Cụ thể, thuế TNCN đối với tiền lương tiền công được kê khai tạm nộp theo tháng và quyết toán theo năm, nhưng trong tháng đầu năm khi người lao động được thưởng Tết thì họ ngay lập tức phải nộp thuế kể cả các trường hợp thu nhập bình quân chưa đến mức phải đóng thuế TNCN. Điều đáng nói nhất ở đây là việc hoàn thuế chỉ được thực hiện vào cuối quý 1 của năm mới (theo Tuổi Trẻ). Cách quản lý thuế này gây ra những phản ứng không thực sự tích cực, và theo một khía cạnh nào đó có thể xem như một hình thức chiếm dụng tiền thuế của người lao động. Không ít người lao động đã buộc phải chấp nhận mất một nửa số tiền thưởng Tết mà họ rất chờ đợi do phải đóng thuế TNCN.
Nguồn cơn của sự bất hợp lý cứ mỗi dịp Tếtlại diễn ra này, thì lại phải quay về những gì diễn ra trong năm. Mức thuế suất TNCN ở Việt Nam hiện nay được đánh giá là quá cao, quá dày và khấu trừ thuế quá lớn. Cụ thể, sau khi Luật thuế TNCN ra đời vào năm 2009, thì biểu thuế TNCN của Việt Nam hiện nay đang được chia tới 7 bậc với một biên độ và tần suất thu rất rộng, từ mức thấp nhất là thu nhập 5 triệu đồng/tháng có thuế suất 5% cho đến bậc cao nhất trên 80 triệu đồng/tháng có thuế suất 35%. Nói cách khác, ngay cả những lao động có thu nhập trung bình thấp (khoảng 5 triệu đồng/tháng, thuế suất 5%) cũng phải đóng thuế TNCN là điều hiếm khi xảy ra (ở Thái Lan thu nhập từ 2.000 USD/tháng mới có thuế suất TNCN 5%) (theo Thanh niên).
Chính biểu thuế rộng và thuế suất TNCN được xem là quá cao và mang tính tận thu này là nguyên nhân khiến cho rất nhiều người lao động phàn nàn, và đồng thời cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lạm thu vào khoản thưởng Tết. Rất nhiều trường hợp người lao động bị thuế TNCN cắt xén nghiêm trọng tiền thưởng Tết là do trong năm khấu trừ chưa đủ nay phải khấu trừ vào tiền thưởng để bù lại, dù một thực tế là với hầu hết người lao động Việt Nam có thu nhập trung bình nếu khấu trừ đủ trong năm thì không thể đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng. Chưa kể thủ tục khấu trừ cũng bất hợp lý, do phải đến cuối quý 1 năm mới (tháng 3) thì mới được nhận lại. Nói cách khác, biểu thuế và cách tính thuế TNCN của Việt Nam hiện nay đang gây khó khăn không nhỏ cho người lao động không chỉ trong khoảng thời gian làm việc trong năm, mà còn cả trong dịp nghỉ lễ quan trọng nhất là Tết âm lịch.
Nhìn rộng hơn, có rất nhiều để nói xung quanh câu chuyện thưởng Tết và luật thuế TNCN của Việt Nam hiện nay. Trước hết, cần thừa nhận một thực tế rằng: một phần không nhỏ gánh nặng ngân sách Nhà nước ở thời điểm hiện tại đang đè nặng trên vai người dân Việt Nam thông qua đóng thuế TNCN chứ không phải những lĩnh vực được xem là cục cưng của nền kinh tế và được nhận vô vàn ưu đãi như ngành khai thác tài nguyên hay khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Mức dự thu ngân sách trong năm 2016 của Việt Nam thì khai thác và xuất khẩu dầu thô chỉ ước đạt khoảng trên 50.000 tỉ đồng, trong khi thu từ thuế TNCN ước đạt khoảng trên 60.000 tỉ đồng (theo CafeF). Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, khi giá dầu ngày càng giảm và nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu cũng giảm do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua, gánh nặng thu ngân sách sẽ chuyển dần sang các nguồn thu nội địa mà thuế TNCN là một trong những lĩnh vực chính yếu.
Sự bất hợp lý tương tự cũng dễ dàng được nhận ra khi đối chiếu biểu thuế TNCN mà người lao động đang phải gánh với biểu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và tình trạng tuân thủ việc nộp thuế ở khu vực doanh nghiệp. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ Ofxam, thì ngày càng có nhiều người dân Việt Nam phải đóng thuế thu nhập cao hơn các công ty, khi biểu thuế TNDN đã được giảm khá mạnh trong thời gian vừa qua từ 32% trước đây xuống còn 20% hiện nay, trong khi 3 biểu thuế TNCN là 25%, 30% và 35% ngày càng được áp dụng nhiều hơn và rộng hơn (theo CafeF). Vấn đề giảm thuế TNDN được các cơ quan Nhà nước và Chính phủ nhắc đến rất nhiều, thậm chí đã cắt giảm không ít lần, trong khi đó vấn đề giảm thuế TNCN thì gần như chưa được nhắc đến lần nào kể từ khi Luật thuế TNCN ra đời vào năm 2009.
Điều đáng chú ý là, trong khi gánh nặng đóng thuế TNCN đang đổ trên đầu người dân với một biểu thuế được đánh giá là nặng nề và mang tính tận thu, thì tình trạng trốn thuế lại diễn ra tràn lan trong khu vực doanh nghiệp FDI vốn được xem là trụ cột của nền kinh tế. Ngoài việc được hưởng rất nhiều ưu đãi từ miễn tiền thuê đất, miễn thuế, giảm thuế đủ kiểu (theo thống kê chi phí sử dụng các chính sách ưu đãi thuế cho riêng các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có thể đã vượt trên 5% tổng thu ngân sách nhà nước), thì các doanh nghiệp FDI này còn rất tích cực trốn thuế.
Theo báo cáo của Ofxam, tỷ lệ các công ty nước ngoài trốn thuế ở Việt Nam trong năm 2015 lên tới 83%, ở một số địa phương tỷ lệ này lên tới 100% như ở Bắc Giang, Hòa Bình và Gia Lai (theo CafeF). Việt Nam có lẽ nên tự ứng cử mình vào danh sách các thiên đường (trốn) thuế vào năm tới, có lẽ sẽ góp phần tích cực vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn rất nhiều.
Dù không muốn, khi đọc đến đây có lẽ chúng ta buộc phải nghĩ rằng,để bù lại những thất thu ngân sách do các đối tượng và khu vực kể trên, nên ngành thuế Việt Nam mới đẩy cái gánh nặng đó lên vai người dân theo kiểu tận thu như hiện nay để bù lại. Ngành thuế Việt Nam 2016 có lẽ đã có một năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng niềm vui đó có lẽ phải đánh đổi bằng không ít những nỗi buồn nhân dịp Tết đến xuân về, khi không ít các khoản thưởng Tết đã không còn lành lặn khi đến được tay các gia đình trong xã hội.
Nhàn Đàm