2/3 sinh viên mới ra trường muốn làm việc ở khu vực nhà nước

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:59, 17/01/2017

Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố kết quả Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của thanh niên Việt Nam từ 15 đến 29 tuổi.

Báo cáo này nhận định, có tình trạng người lao động được bố trí không phù hợp với yêu cầu công việc, chưa tận dụng hết tiềm năngcủa người lao động. Cụ thể, có 26% lao động trẻ có trình độ học vấn cao hơn so với yêu cầu công việc mà họ đang làm. Trong khi đó, lại có tới 23,5% lao động trẻ trình độ thấp hơn yêu cầu công việc mà họ đang làm.

Theo báo cáo này, giữa kiến thức học với yêu cầu công việc của các thanh niên Việt Nam từ 15 đến 29 tuổi còn khoảng cách khá xa. Chính vì vậy,sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học trung bình cần khoảng 7,3 tháng để tìm công việc ổn định đầu tiên.

Trong khi đó, lao động có trình độ trung học phổ thông cần thời gian trung bình là 17,8 tháng để tìm được công việc đầu tiên họ thấy ổn định và hài lòng.

"Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang chưa tận dụng hết tiềm năng, năng suất của nhiều lao động trẻ, mặt khác lại không thể hoạt động ở mức năng suất lao động tối đa của mình bởi họ tuyển dụng lao động thiếu khả năng. Sự không phù hợp với yêu cầu công việc có thể tạo ra gánh nặng lên từng cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội”, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee giải thích.

Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, gần 2/3 sinh viên trong năm 2015 cho biết thích làm việc trong khu vực nhà nước, chủ yếu là do sự hấp dẫn của công việc ổn định.

“Mặc dù đa số lao động trẻ (58,6%) làm công việc được trả lương, hơn một phần ba thanh niên vẫn làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương” – báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, gần một nửa thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản. Khoảng 80% lao động trẻ làm các công việc phi chính thức - những công việc thiếu tiếp cận bảo trợ xã hội và sự bảo vệ về pháp luật căn bản, cũng như các quyền lợi của người lao động.

Giám đốc ILO Việt Nam nhận định: "Tuy Việt Nam không có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở mức báo động như nhiều nước khác nhưngviệc đảm bảo việclàm chất lượng cho thế hệ trẻ vẫn là thử thách lớn của đất nước. Nhiều lao động trẻ đang ở trong tình trạng không được bảo vệ ở nơi làm việc, đồng thời nhiều người khác cũng không tìm được những kiến thức, kỹ năng phù hợp từ ghế nhà trường để làm việc trong thị trường lao động hiện tại".

Vì thế, ông Chang-Hee Lee kêu gọi sự tăng cường phối hợp giữa Chính phủ, công đoàn và DN nhằm đẩy mạnh phát triển việc làm cho thanh niên và phát triển kinh doanh với khu vực tư nhân là đầu tàu kiến tạo việc làm.

Hoài Phong

Trí Lâm