Độ che phủ cây xanh Hà Nội gấp đôi hay bằng một nửa TP.HCM?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:54, 12/10/2020
Ở mục tiêu “Giảm tác động có hại của môi trường tới con người tại các đô thị, tăng cường quản lý chất lượng không khí, chất thải đô thị và các nguồn chất thải khác”, Quyết định 681 (năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 681/QĐ-TTg ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030) xác định lộ trình cho chỉ tiêu về tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định là 87,5% (năm 2020); 90% (năm 2025); 95% (năm 2030).
Theo dự thảo Báo cáo quốc gia 2020 về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, môi trường tại các đô thị ở Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mặc dù việc đầu tư cho hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống xử lý chất thải rắn đã được chú trọng nhưng vẫn còn xa so với yêu cầu và tốc độ đô thị hóa.
Cụ thể, tỷ lệ chất thải rắn thông thường được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới đạt ở mức 84% vào năm 2018 (năm 2015 là 75%). Đáng chú ý, tỷ lệ này không đồng đều giữa các đô thị và vùng. Vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là nơi đi đầu trong việc xử lý chất thải rắn thông thường, với tỷ lệ hơn 90% chất thải rắn thông thường thu gom đã được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Trong khi đó, tỷ lệ này tại vùng Tây Nguyên chỉ đạt 61% vào năm 2018. Riêng Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố hầu như đã đạt xử lý toàn bộ số rác thông thường được thu gom (tương ứng đạt tỷ lệ 98% và 100%).
Nếu theo xu hướng như hiện tại, dự thảo của Bộ KH-ĐT cho rằng Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu như lộ trình đặt ra cho chỉ tiêu này đến năm 2020 và thậm chí về đích trước 5 năm vào năm 2025. Tuy vậy, cần chú trọng hơn nữa việc phân loại rác tại nguồn, nâng cao ý thức cũng như sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ qui định về xả rác nơi công cộng.
Thiếu trầm trọng các không gian công cộng
Với mục tiêu “Đến năm 2030, đảm bảo tiếp cận phổ cập với không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật”, Quyết định 681 không xác định lộ trình cho chỉ tiêu “Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị”.
Theo đó, các không gian công cộng nói chung và không gian vui chơi giải trí trong các khu dân cư nói riêng ở các đô thị nước ta hiện đang thiếu thốn trầm trọng; công tác quản lý những không gian công cộng này cũng còn nhiều khó khăn và tồn tại. Hiện số liệu về không gian công cộng ở Việt Nam chưa được công bố chính thức, chỉ có một số thông tin riêng lẻ đối với một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Cụ thể, độ che phủ của cây xanh toàn Hà Nội là 11,7%, ở TP.HCM là 26,3% và phân bổ không đồng đều. Nội thành Hà Nội có độ che phủ chung 7% trong khi TP.HCM chỉ có 3,9%...
Theo phân tích từ dự thảo, trong những năm gần đây, nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng mới, góp phần thay đổi bộ mặt nhiều thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều khu đô thị mới còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn hoa, công viên… chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân đô thị. Bên cạnh đó, diện tích cây xanh, mặt nước không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống của dân sống ở đô thị càng thêm suy giảm.