Sản phẩm vàng mã Việt Nam 'xuất khẩu' sang cả Lào, Đài Loan trước Tết

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:01, 19/01/2017

Sát ngày ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán, những nơi được mệnh danh là “thủ phủ cõi âm” lại hối hả, tất bật với việc sản xuất và giao hàng cho các điểm buôn bán trên thành phố.

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết ông Công ông Táo (23 tháng chạp) và gần 1 tuần nữa là nhà nhà cùng nhau đón Tết Nguyên đán. Những dịp quan trọng này trong năm không thể thiếu vắng đồ mã để tiễn ông Táo về trời. Qua khảo sát tại một số làng làm vàng mã truyền thống như làng Đông Hồ (Bắc Ninh) hay làng Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) không khí vào vụ rất hối hả, khẩn trương.

Trao đổi với báo Một Thế Giới về vấn đề này, ông Thảo (59 tuổi, làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) kể: “Nhiều năm nay, người dân làng Đông Hồ đã chuyển sang nghề “phục vụ người âm”. Vào vụ, mỗi nhà sản xuất hàng trăm đến hàng ngàn bộ áo mũ Táo quân, tiền vàng, hoa vàng, cá chép…”.

Theo chị Nguyễn Thị Huyền, người làng Đông Hồ, những ngày gần Tết như hôm nay làphải huy động tất cả mọi người trong nhà cùng làmcho kịp ngày giao hàng.

Nhiều người dân trong làng Đông Hồ cũng đang hối hả làm hàng mã để giao hàng cho kịp ngày ông Táo về trời. Nhiều người dân cho biết giá buôn bán mỗi bộ đồ tiễn ông Táo rơi vào khoảng 80.000 - 100.000 đồng/bộ, những bộ nhỏ thì giá rẻ hơn. Tuy nhiên, những bộ đồ lễ này khi chuyển về Hà Nội hay đi các nơi khác thường đội giá lên chóng mặt.

Vào vụ, mỗi nhà sản xuất hàng trăm đến hàng ngàn bộ áo mũ Táo quân, tiền vàng, hoa vàng, cá chép...

Cùng chung không khí hối hả, tay làm không ngơi, tại làng Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội), nhiều người dân cũng đang dần hoàn tất những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đưa hàng lên Hà Nội và các tỉnh, thành tiêu thụ.

Chia sẻ về nghề sản xuất vàng mã truyền thống tại làng Duyên Trường, các cụ trong làng kể lại: “Nhiều năm nay, ngoài các mặt hàng truyền thống như mũ, áo, ngựa, tiền vàng… người dân Duyên Trường còn làm các vật dụng cao cấp bằng giấy (ôtô, tivi, nhà tầng…) để phục vụ nhu cầu của khách hàng với ý niệm trần sao thì âm vậy.

Cũng nhờ có nghề sản xuất vàng mã mà người dân Duyên Trường cũng như người dân Đông Hồ có thêm thu nhập, thoát khỏi cái nghèo. “Các mặt hàng “hóa” xuống âm phủ đang dần tạo việc làm cho nhiều người, thậm chí là cứu sống cả làng nghề. Đồng thời, việc làm lúc rảnh rỗi cũng khiến cho nông thôn giảm bớt các tệ nạn xã hội không đáng có”, ông Thảo (người làng Đông Hồ) bày tỏ.

Được biết, tại các “thủ phủ cõi âm”, mùa Tết là mùa bận rộn gấp 10 lần so với bình thường. Những chi tiết, mẫu mã làm ra đòi hòi sự tỉ mì, khéo léo, công phu. Theo những người dân trong làng Duyên Trường, các mẫu mã phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo vẫn như mọi năm, các vị thần Táo Quân thì giày, mũ, cá chép… Tuy nhiên, dịp Tết ông Công ông Táo và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán khiến nhu cầu người dân tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các ngày lễ khác nên hiện tại đang là thời điểm nước rút.

Các mặt hàng được xếp lên xe phục vụ bà con dịp Tết ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán

Về với các làng có truyền thống sản xuất vàng mã như làng Đông Hồ (Bắc Ninh) hay làng Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) dịp cận Tết mới thấy được sự hối hả của một làng nghề. Nhiều thương lái khắp cả nước cũng về đây để đặt hàng và chở đi khắp nơi phục vụ dịp lễ, Tết.

Hiện nay, đồ mã của làng Đông Hồ hay của làng Duyên Trường không chỉ có sức tiêu thụ ở thị trường miền Bắc mà còn được chuyển sang cả Lào, Đài Loan (TQ)…Tại thời điểm những ngày giáp Tết, ô tô ở các tỉnh cứ ùn ùn kéo tới lấyhàng khiến người dân xoay sở không kịp.

Thu Anh

Thu Anh