V-League 2017: Kẻ giàu, người nghèo và sự bảo thủ
Thể thao - Ngày đăng : 16:15, 19/01/2017
Ngược lại, các đội “nhà nghèo” đã không thể có một niềm vui trọn vẹn. Điển hình như FLC Thanh Hóa, với 3 trận thắng liên tiếp, thầy trò HLV người Serbia, Ljubomir Petrovic đang chễm chệ ngôi đầu.
Bước vào V-League 2017, đội bóng xứ Thanh là một trong nhiều CLB không ngần ngại vung tiền trong mùa chuyển nhượng.
Chính việc FLC Thanh Hóa “bạo chi” đã giúp họ giành được chân sút Iheruome Uche từ đội bóng phố biển Sana Khánh Hòa, cùng với việc chiêu mộ những cầu thủ nội chất lượng như Trọng Hoàng hay Đinh Tiến Thành.
Song bản hợp đồng giá trị nhất vẫn là việc FLC Thanh Hóa mời được nhà cầm quân từng giành Cúp C1 châu Âu Petrovic về dẫn dắt.
Trong khi đó, CLB TP. Hồ Chí Minh đang buộc mọi đối thủ phải thận trọng hơn khi gặp họ, dù đội bóng của HLV Alain Fiard mang phận “tân binh”. Vẫn còn quá sớm để đánh giá về chất lượng của tập thể này, song không thể phủ nhận, “doping” tiền thưởng được Chủ tịch CLB Lê Công Vinh sử dụng đã góp phần quan trọng, tạo động lực cho các cầu thủ của mình.
Ở chiều ngược lại, Sông Lam Nghệ An vẫn lâm vào cảnh khó khăn bởi nguồn kinh phí hoạt động vẫn là câu hỏi lớn cho lãnh đạo đội bóng này.
Vì thế, cứ sau mỗi mùa bóng, đội bóng xứ Nghệ thường xuyên đối mặt với nạn “chảy máu” cầu thủ bởi không thể giữ chân những trụ cột công thần của mình.
Xổ số kiến thiết Cần Thơ cũng đối mặt với khó khăn tương tự khi nhà tài trợ chính không giấu ý định thoái vốn, không đầu tư thêm.
Chẳng ai khẳng định, cầu thủ chỉ đá vì tiền. Nhưng cũng chẳng ai phản bác nếu có ý kiến ngược lại.
Cũng đúng thôi bởi rất nhiều cầu thủ chấp nhận xa gia đình, xa quê hương quanh năm, suốt tháng vì mục đích gì, ngoài thành tích thể thao?
Cứ đọc những dòng trạng thái của Nguyên Sa trên trang facebook cá nhân của cựu thủ quân SHB Đà Nẵng, khi phải chia tay bóng đá quê nhà vì nhiều lý do, cũng đủ hiểu nỗi niềm và sự day dứt của họ ra sao!
Cũng chẳng ai chê trách việc các CLB sử dụng “doping” tiền thưởng, một khi họ có điều kiện! Trong bối cảnh “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, tình trạng “nước chảy chỗ trũng” cũng là tất yếu.
Với Hoàng Anh Gia Lai, sau thời kỳ hoàng kim khi họ từng được xem là một tập hợp của “đội tuyển Việt Nam + đội tuyển Thái Lan” bởi một ông chủ không ngần ngại vung tiền “tậu sao”, giờ đây, đội bóng đá phố núi cũng đang lâm vào khủng hoảng.
Việc quá tự tin vào khả năng đào tạo khiến HAGL sớm rơi vào vòng luẩn quẩn. Dù các cầu thủ xuất thân từ Học viện HAGL Arsenal JMG đều được đào tạo bài bản nhưng họ không hình dung được sự khắc nghiệt của đấu trường V-League.
Vì thế, nguy cơ xuống hạng như lưỡi gươm Democles, luôn lơ lửng trên đầu đội bóng này. Đáng lo ngại khi tại V-League 2017, nguy cơ này càng tăng cao bởi HAGL có màn khởi đầu tệ hại nhất của mình.
Thế nhưng, nhà cầm quân Nguyễn Quốc Tuấn vẫn xác quyết: “Đội bóng vẫn kiên định đường lối đào tạo trẻ, dù có xuống hạng cũng chấp nhận”.
Phải chăng, đó là một ý tưởng bảo thủ bởi một thay đổi, đồng nghĩa với sự khẳng định về định hướng phát triển sai lầm của những người lãnh đạo của đội bóng này.
Đã có một bức tranh với những mảng màu khác nhau sau vòng đấu thứ 3. Và chắc chắn, ở những vòng đấu tới, bức tranh V-League 2017 còn sẽ thay đổi nhiều hơn khi các CLB Chuyên nghiệp buộc phải có những đổi mới phù hợp, nếu không muốn trở thành kẻ chiến bại khi cuộc chơi kết thúc.
VŨ BẢO NGUYÊN