Du lịch Costa Rica: Ấn tượng cuộc chiến giữa thổ dân và 'con bò'

Du lịch - Ngày đăng : 08:16, 23/01/2017

Trên dãy núi Talamanca ở miền Nam Costa Rica, ngôi làng của bộ lạc người Boruca nép mình bình yên giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Mọi thứ nơi đây chỉ thực sự sống dậy khi người dân tưng bừng tổ chức lễ hội những con quỷ nhỏ vào dịp đầu năm. Suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, bầu không khí luôn sôi động với tiếng trống, tiếng sáo và điệu múa rộn ràng của những chiến binh mang mặt nạ đầy màu sắc trong trận chiến thú vị với một “con bò”.

Cuộc chiến giữa thổ dân và “con bò”

Costa Rica là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống và giàu nét truyền thống. Trân trọng giá trị xa xưa, giữ gìn bản sắc không phai mờ là một trong những đặc trưng nổi bật của quốc gia Bắc Mỹ này. Người dân Costa Rica luôn gắn bó với cội nguồn và tỏ lòng tôn kính đến mọi sự kiện trong quá khứ đã đem những vị anh hùng và lịch sử đến cho quê hương mình. Lễ hội những con quỷ nhỏ tại làng Boruca ở miền Nam nước này là một minh chứng rõ nét cho điều này. Người dân Boruca vẫn duy trì nét truyền thống phong phú thời xa xưa của họ cho đến ngày nay. Điều đó thể hiện qua ngôn ngữ, truyền thuyết, điệu múa và đồ thủ công mỹ nghệ của họ.

Người Boruca đặc biệt nổi tiếng trong nghệ thuật chế tác những chiếc mặt nạ được chạm khắc bằng tay đầy màu sắc từ loại gỗ balsa nhẹ. Những chiếc mặt nạ đóng vai trò quan trọng trong lễ hội Fiesta de los Diablitos, tức Lễ hội những con quỷ nhỏ. Lễ hội này gần giống với Lễ hội linh hồn người đã khuất, kỉ niệm chiến thắng của người Boruca trước thực dân Tây Ban Nha. Santos Leiva, nghệ nhân chế tác mặt nạ bậc thầy ở Boruca cho biết: “Đây là lễ hội lớn nhất của chúng tôi, cũng chính là bản sắc của chúng tôi. Khi tổ chức sự kiện này, chúng tôi đã kết nối với tổ tiên, văn hóa và truyền thống của mình. Trong lễ hội này, đảm bảo chẳng ai thấy buồn.

Bất kì người nào cũng vui vẻ và thích thú”. Sự kiện được bắt đầu đầy trịnh trọng vào nửa đêm ngày 30.12. Trai tráng trong làng ăn mặc như những chiến binh và linh hồn tổ tiên thời xưa, được coi như những con quỷ nhỏ. Họ đeo mặt nạ gỗ balsa truyền thống, được vẽ rất cầu kì và đẹp mắt bằng loại sơn tự nhiên có nguồn gốc thực vật. Những chiếc mặt nạ thể hiện các chiến binh cụ thể hoặc các loài động vật như báo đốm, chim toucan, vẹt đuôi dài, khỉ và các động vật khác của rừng nhiệt đới. Tương truyền, khi thực dân

"Con bò” bị đốt trong đống lửa, thể hiện chiến thắng
của các chiến binh trước kẻ thù Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha tới ngôi làng, người dân chưa hề biết tới vũ khí hiện đại vào thời đó. Nhưng thay vào đó, người Boruca lại có linh hồn động vật chỉ đường dẫn lối cho họ. Để bày tỏ lòng tôn kính đến những linh hồn đã hỗ trợ cho họ, ngày nay người dân đã chạm khắc và sơn những chiếc mặt nạ tinh xảo này để đại diện cho hồn phách của những loài động vật. Những chiến binh mặc trang phục được thiết kế khá công phu, làm từ bao tải gangoche, có kết cấu tương tự như vải bố và quây quanh bằng những tấm lá chuối lớn.

Khi màn đêm đen thẫm bao phủ không gian, những chiến binh đeo mặt nạ và mặc quần áo lá chuối đi từ nhà này sang nhà khác trong làng để chuẩn bị cho trận chiến với “con bò”. Các chiến binh sau đó uống chicha, một loại rượu ngô và hô vang những khẩu hiệu chiến đấu. Các nghệ sĩ đánh trống và nghệ sĩ thổi sáo đã thổi vào bầu không khí tinh thần cuồng nhiệt và sôi động. “Đây là thời điểm thiêng liêng khi các chiến binh đang liên kết với tinh thần chiến binh từ tổ tiên của họ. Hoạt động này kéo dài suốt đêm cho đến khoảng 6 giờ sáng”, nghệ nhân Leiva cho biết. Vào ngày 31/12, “kẻ xâm lược Tây Ban Nha” độc ác xuất hiện dưới hình dạng “con bò”. Một người đàn ông có nhiệm vụ đóng vai giả làm “con bò” này. Trong suốt hai ngày 31/12 và ngày 1/1, các chiến binh tham gia vào các trận đánh với con bò bằng màn nhảy múa quanh một đống lửa, theo nghi lễ Màn nhảy múa của các chiến binh. Ban đầu, “con bò” dường như làm chủ thế trận, lấn át khiến phe chiến binh gần như bị đánh bại hoàn toàn.

Tưng bừng ăn mừng chiến thắng

Vào ngày 2.1, những bậc bô lão trong làng xuất hiện. Họ cũng đeo những chiếc mặt nạ được gắn lông vũ và vẽ hình ảnh các loài động vật. Những già làng hô vang lời hiệu triệu đặc biệt dành cho những chiến binh. Đây là ngày mà các chiến binh được động viên, nâng cao quyết tâm để ấn định kết quả cuộc chiến. Sau đó, mọi người tụ tập ở một địa điểm linh thiêng ngay giữa ngôi làng. Nghệ nhân Leiva hào hứng kể: “Chỉ vào ngày này, các nữ chiến binh mới được có mặt. Theo lịch sử, những người phụ nữ không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến nhưng họ đã hỗ trợ tích cực cho các chiến binh, đặc biệt là trong hoạt động cứu thương bằng các thảo dược.

Những chiến binh đã chết hoặc bị thương chỉ cần uống chicha là có thể sống lại khỏe mạnh”. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, các chiến binh bất ngờ trở lại từ cõi chết, lật ngược tình thế và sau đó giành chiến thắng như họ đã làm được trong lịch sử. Người Boruca cho rằng, họ chưa bao giờ trực tiếp bị chinh phục. Cũng giống như trong lịch sử, vào cuối lễ hội, chú bò đại diện cho những kẻ xâm lược Tây Ban Nha bị “giết” và trang phục của chú bò này được đốt trong đống lửa lớn ở giữa làng. Bên đống lửa, người dân tưng bừng nhảy múa ăn mừng chiến thắng. Mặc dù khách du lịch được chào đón đến làng tham dự lễ hội nhưng chỉ những người đàn ông địa phương đeo mặt nạ mới được tham gia vào màn nhảy múa. Nữ giới trong làng cũng không được góp mặt vào màn nhảy múa này. Tuy không xuất hiện nhiều nhưng những người phụ nữ có vai trò quan trọng không kém nam giới trong lễ hội.

Họ đảm nhiệm khâu tổ chức và hậu cần. Những người phụ nữ chế biến đồ uống và nấu thức ăn để giúp các chiến binh có thể luôn sung sức tham gia các hoạt động. Trong số các món ăn thì một loại bánh được làm từ gạo gói trong lá chuối rất được yêu thích. Loại ẩm thực đặc biệt và mang đậm truyền thống nhất trong lễ hội là chicha, một đồ uống có cồn được ủ từ ngô. Những người phụ nữ khéo léo của Boruca bắt đầu chuẩn bị thức uống đặc biệt này từ 8 ngày trước khi lễ hội bắt đầu. Khi đã “ngấu”, rượu được đổ vào trong những vỏ trái bầu rỗng đầy tới miệng, tỏa mùi thơm lừng. Tất cả những người tham gia lễ hội đều có thể uống tới say. Âm thanh, màu sắc, hương thơm… ngập tràn trong suốt thời gian lễ hội. Chẳng thế mà mỗi năm, hàng trăm du khách đến với ngôi làng Boruca để được hòa mình vào không khí sôi động và mang đậm nét văn hóa truyền thống này.

Nam Ngọc / Duyên dáng Việt Nam

DDVN