PGS.TS Trần Kim Chung: 'Cần tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm 2017'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:15, 23/01/2017
2016: không hoàn thành mục tiêu
Năm qua, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, ở trong nước thiên tai ngày càng trầm trọng do nhiễm mặn, hạn hán; sự cố môi trường do Formosa gây ra đã khiến khoảng 39.000 ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mất việc, ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, du lịch, kinh tế biển và hệ sinh thái lao đao đã góp phần khiến các mục tiêu kinh tế của Việt Nam không hoàn thành như kế hoạch đề ra.
Nhận định về nền kinh tế trong năm qua, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng năm qua, với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, trong sạch và liêm chính, Chính phủ đã đổi mới phương thức lãnh đạo, đi sâu đi sát, xử lý kịp thời ứng phó có hiệu quả với những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước, khu vực và thế giới. Đây là cơ sở định hướng cho việc phát triển bền vững đất nước.
Theo ông Chung, kinh tế năm qua có nhiều điểm sáng. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thị trường chứng khoán có sự chuyển biến tích cực. Chúng ta cơ bản cân bằng được xuất nhập khẩu và thương mại có độ mở cao với tổng kim ngạch năm 2016 gấp 1,7 lần GDP, ước đạt 360 tỉ USD; thu hút FDI có kết quả tích cực, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.
Bên cạnh đó, ông Chung ghi nhận môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi. Các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2016, Việt Nam tăng 9 bậc, xếp thứ 82/190 nền kinh tế. Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng theo chuyên gia kinh tế này, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Đó là tăng trưởng GDP cả năm dự kiến khoảng 6,3-6,5%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%); tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ so với GDP cao hơn so với dự kiến, áp lực trả nợ lớn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản tăng cao.
“Xuất khẩu dự báo cả năm không đạt kế hoạch đề ra, tình hình thu ngân sách khó khăn, nợ đọng thuế còn lớn, việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp. Việc quản lý tài sản, chi tiêu công còn lãng phí” - PGS.TS Trần Kim Chung nói.
Chuyên gia này cũng nhận định, việc tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực cũng khá chậm. Số liệu nợ xấu chưa thực chất, xử lý nợ xấu kết quả đạt thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Đến nay, mặc dù số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỉ lệ vốn bán ra đạt thấp.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai, minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh. Một số dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, kéo dài từ trước, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động.
Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Ông Trần Kim Chung nhận định, năm 2017 Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Những biến động kinh tế, chính trị thế giới trong năm qua vẫn sẽ tác động nhiều chiều tới nền kinh tế nước ta trong thời gian tới, nhất là việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng mở ra nhiều cơ hội và thách thức, việc cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt.
Do đó, trong năm tới cần kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường; loại bỏ rào cản bất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.
Cùng với đó, chuyên gia này khuyến nghị phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh các FTA đến gần cần phải tận dụng các cơ hội của hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh để phát triển mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước.
Phát triển mạnh hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. “Phải giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác đối với các dự án, công trình ngay từ khi triển khai, có biện pháp xử lý sớm các dự án có sử dụng vốn Nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan” - ông Chung nhấn mạnh.
Cùng với đó, chuyên gia này cho rằng phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ngày càng tăng năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; cần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Trí Lâm/Duyên Dáng Việt Nam