Nhà ở xã hội vẫn cần một gói vay tương tự gói 30.000 tỉ đồng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:36, 21/01/2017
Năm 2016, sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng kết thúc, Chính phủ đã quyết định mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100 là 4,8%/ năm, có thời hạn đến hết 31.12.2016. Tuy nhiên, sau khoảng nửa năm, chính sách này chưa đi vào thực tiễn do không bố trí được nguồn vốn.
Vào trung tuần tháng 1.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2016 và năm 2017 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100 là 5%/năm.
Các đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở được quy định tại Nghị định 100 sẽ được vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.
Theochuyên gia bất động sản, mức lãi suất 5%/năm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhưng nên sắp xếp một gói vay cụ thể tương tự như gói 30.000 tỉ đồng trước đây.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích, cần có gói vay cụ thể để các doanh nghiệp yên tâm làm và người dân mới yên tâm vay.
“Nếu chính sách không có số tiền cụ thể, giả sử người dân vay được 1 năm, 2 năm rồi lại kết thúc, lãi suất 5% khi đó sẽ kéo lên lãi suất thương mại trên dưới 10% thì rất khó cho người dân hoặc doanh nghiệp đã đầu tư, nên quy định này phải rất chặt chẽ. Một doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng phải 3-5 năm, người dân cũng phải vay khoảng 10 năm nên cần phải có sự đồng bộ và lâu dài mới làm được”, ông nói.
Đồng quan điểm cần đưa ra cụ thể tổng lượng tiền cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, khi nào biết lượng tiền và cách thức cụ thể mỗi người được vay bao nhiêu phần trăm giá trị căn nhà… thì mới đánh giá được rõ về tác động của chính sách. Vì hiện nay, nhiều thông tin cho rằng việc vay tiền để mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội còn khó khăn, hoặc nếu được thì khả năng chỉ vay được lượng tiền nhỏ.
“Chúng ta chưa giải quyết được đến tận cùng vấn đề sau khi kết thúc gói 30.000 tỉvào năm 2016. Hiện ngân sách khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn chế, bội chi, nợ công ở mức cao, đầu tư công nhu cầu khá lớn. Trong hoàn cảnh này, cần phải tìm nhiều giải pháp mới có thể có được một nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển khu vực nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ như là gói 30.000 tỉ trước đây”, Giáo sư Võ nêu ý kiến.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách tín dụng để khai thác và huy động tối đa các nguồn tài chính, nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng xác định phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Đây là những cơ sở để có thể tin tưởng rằng, chương trình cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất 5%/ năm sẽ sớm đi vào thực tiễn, thúc đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Tổng hợp từ VOV