‘Cậu bé vàng’ toán học bỏ Silicon Valley về Việt Nam khởi nghiệp
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:19, 22/01/2017
“Reid Hoffman, founder của Linkedin, từng nói làm startup đừng bao giờ nghĩ đến việc cân bằng giữa công việc và gia đình.Tôi nghĩ hầu hết các founder đều khá giống nhau, độc hànhtrên con đường mình đã chọn. Nhưng không founder nào thành công mà không có những đồng đội bên cạnh - để cùng làm việc, cùng chia sẻ. Độc hành nhưng không phải là đơn độc. Phải luôn có đồng đội đi cùng!” - Phạm Kim Hùng, người sáng lập và điều hành TechElite, chia sẻ.
Quyết định dễ dàng không có nghĩa là con đường dễ dàng
Nhắc về Phạm Kim Hùng, dù hiện tại hay quá khứ cái tên ấy vẫn gắn với những danh hiệu luôn làm người khác ngưỡng mộ. Đặc biệt, trong ngành toán học ít ai lại không biết đến anh- người từng đoạt huy chương vàng và bạc Olympiad Toán học thế giới và là tác giả của một cuốn sách toán học được xuất bản bốn thứ tiếng, là cựu sinh viên của Đại học Stanford (Mỹ). Như vậy cũng đủ hiểu cơ hội ở xứ cờ hoa rộng mở với Hùng thế nào. Nhưng gác lại mọi thứ, Hùng quyết định về Việt Nam thực hiện giấc mơ của riêng mình, xây dựng những sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ cho doanh nghiệp, xã hội.
Hỏi Hùng nếu không biết về anh của hiện tại (founder/CEO TechElite) tôi nghĩ anh sẽ là Ngô Bảo Châu thứ hai của Việt Nam. Có ai đã từng nói với anh như vậy? Rất khiêm tốn và cẩn trọng, Hùng chia sẻ: “Làm sao tôi được như anh Châu cơ chứ. Anh Châu làm về toán cơ bản, rất khó, chắc chỉ khoảng 1% tiến sĩ toán hiểu được lời giải bổ đề cơ bản của anh Châu. Cá nhân tôi luôn coi toán học là một ngôn ngữ tuyệt vời của cuộc sống nhưng tôi thấy hấp dẫn nhiều hơn vào “sản phẩm”, những thứ mình có thể chủ động tạo ra và có thể thấy được trực tiếp giá trị của nó đối với mọi người xung quanh”. Chia sẻ của Hùng làm tôi nhớ đến tựa đề cuốn sách của tác giả Jim Collins - Vĩ đại do lựa chọn!
Trò chuyện với Hùng, tôi hiểu được ẩn sâu trong suy nghĩ của chàng trai cựu sinh viên Stanford này luôn là: “Cuộc sống chính là để khám phá được giá trị của bản thân và tìm được con đường mình đi để có thể tự hào. Sự ghi nhận và danh hiệu là những thứ bên ngoài. Những điều đó không thực sự thú vị cho đến khi chính mình là người tạo ra giá trị thực sự cho người khác. Stanford không dạy tôi cách khởi nghiệp nhưng dạy tôi về cách cảm nhận cuộc sống, trân trọng những ý nghĩa thực sự và bản chất”. Đấy cũng chính là lý do để Phạm Kim Hùng quyết định sẽ làm startup, không học tiếp tiến sĩ và cũng không chọn Silicon Valley.
Chia sẻ thêm về câu chuyện trở về nước để khởi nghiệp, quyết định với Hùng là dễ dàng nhưng khiến không ít người ngạc nhiên. Bởi lẽ một bên là đứng trước cơ hội lớn hậu thuẫn mình phát triển sự nghiệp, một bên là mảnh đất không ưu ái nhiều cho ngành công nghệ thông tin. “Trở về là quyết định dễ dàng, đơn giản vì tôi muốn và tôi biết mình phải về Việt Nam, Việt Nam còn rất nhiều thứ mình có thể làm được. Thứ tôi quan tâm nhất là enterprise softwares, các nền tảng giúp doanh nghiệp vận hành và làm việc hiệu quả hơn” - Kim Hùng nhớ lại.
Từ bỏ cơ hội làm việc ở Silicon Valley về nước khởi nghiệp
Năm 2013 Hùng về Việt Nam quyết định khởi nghiệp với dự án đầu tiên TechElite nhằm xây dựng giải pháp phần mềm dịch vụ (Software as a Service) giúp các doanh nghiệp, tổ chức vận hành hiệu quả, thông minh hơn. Và sản phẩm chiến lược nhất của TechElite là Enterprise 2.0 - hệ thống phần mềm trực tuyến cho doanh nghiệp giải quyết các bài toán cụ thể trong quá trình vận hành, quản lý và kinh doanh.
Trở lại với những ngày đầu gầy dựng TechElite, đâu là khó khăn lớn nhất với anh? Rất thẳng thắn, anh chia sẻ: “Ý tưởng. Mọi người thường nói ý tưởng là rất “dễ” nhưng tôi lại thấy ngược lại, tìm được ý tưởng tốt rất khó. Peter Thiel, founder của Paypal, đã từng nói rằng việc này giống tìm kiếm một bài toán không có lời giải và giải nó. Cái khó của việc tìm kiếm này là hầu hết các bài toán có thể giải được đều đã được giải hết từ lâu, còn lại những bài toán khác chưa được giải thì kể cả Einstein cũng không giải được. Câu chuyện trong giới công nghệ cũng khá giống vậy, các ý tưởng lớn hầu như đã và đang được giải. Tìm ra được một ý tưởng tốt và mình là người làm tốt nhất chính là khó khăn lớn nhất của TechElite. Và cũng là của bất kỳ startup nào”.
Hùng chia sẻ thêm: “Ý tưởng tốt không bao giờ đến ngẫu nhiên mà cần đủ thời gian để chiêm nghiệm. Người khởi nghiệp lần đầu thường chọn ý tưởng đơn giản vì “thích” và thường thất bại vì nếu chỉ thích không sẽ không đủ để vượt qua những khó khăn liên tục. Người kinh nghiệm hơn sẽ chọn ý tưởng theo “cơ hội” nhưng ngay cả như vậy thì cũng không dễ thành công vì cơ hội tốt thì nhiều người sẽ cùng nhìn ra. Ý tưởng tốt chính là thứ mà founder sẵn sàng nghĩ về nó hằng đêm, khát khao tìm lời giải bằng mọi giá, tự hào nhất mỗi khi kể về nó và có thể trở thành người thực thi tốt nhất. Điều này không hề dễ dàng. Đôi khi đi qua cả một chặng đường dài chỉ để đến phút cuối nhận ra ý tưởng (hay sự lựa chọn) ban đầu của mình đã sai”.
Nói về những người quyết định khởi nghiệp, Reid Hoffman, founder của Linkedin, đã từng nói: “Làm startup đừng bao giờ nghĩ đến việc cân bằng giữa công việc và gia đình…”. Chẳng quá khi nói rằng làm startup gần như độc hành trên con đường mình chọn. “Tôi nghĩ hầu hết các founder đều khá giống nhau, độc hành trên con đường mình đã chọn. Nhưng không founder nào thành công mà không có những đồng đội bên cạnh - để cùng làm việc, cùng sẻ chia. Đó là những người thực sự hiểu mình, có chung chí hướng với mình và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ. Độc hành nhưng không phải là đơn độc. Phải luôn có đồng đội đi cùng!” - Phạm Kim Hùng bộc bạch.
Ý tưởng tốt là thứ để doanh nghiệp tự hào
Ý tưởng tốt chính là thứ mà founder tự hào nhất mỗi khi kể về nó. Với Hùng cũng không ngoại lệ. Có hai từ anh nói về TechElite nhưng lại chứa đựng sự kỳ vọng lớn lao: nhiệt huyết và tự hào. Nhiệt huyết để tiếp tục cho chặng đường phía trước, tự hào vì những cộng sự và những khách hàng luôn đồng hành trong suốt quá trình phát triển của TechElite.
Hỏi Hùng sao lại chọn cách đi ngược so với phần lớn các startup hướng tới. Thay vì chọn hướng làm việc với khách hàng (B2C), Hùng chọn hướng làm việc với doanh nghiệp (B2B). Đây phải chăng là lợi thế của TechElite? “Trong thế giới startup, có một câu hay được nhắc đến là “product-market fit”, có nghĩa là sản phẩm hợp với thị trường. Tôi nghĩ phải sửa lại là “founder-product-market fit”, vì bài toán mà người sáng lập cần giải nên gắn chặt với chính cá nhân người đó. Rất khó để giải quyết một bài toán thật tốt khi bạn không thực sự đau đáu về nó và nghĩ về nó hằng đêm”.
Anh cũng chia sẻ thêm về hướng mà TechElite chọn: “Bản thân TechElite đã thử trải nghiệm mô hình B2C trong vài tháng và nhận ra ngay rằng nó không thực sự phù hợp với triết lý và tư tưởng của mọi người.
B2C tập trung vào cảm xúc (emotional) của người dùng và bạn phải tìm mọi cách để người dùng cảm thấy thích thú. B2B thì khác, phải tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm vì người trả tiền cho các sản phẩm B2B là các CEO vốn rất thông minh và biết dùng tiền theo cách hợp lý nhất. Thay vì tư duy theo cảm xúc của khách hàng, tư duy theo cách làm thế nào để hiệu quả và tạo ra nhiều giá trị nhất giúp TechElite xây dựng sản phẩm có tính chiến lược và sâu sắc hơn”.
Đừng giải quyết bài toán của người khác khi bạn không thực sự trải nghiệm nó
Khi khởi nghiệp tôi mới tâm huyết câu nói: Đừng giải quyết bài toán của người khác khi bạn không thực sự trải nghiệm nó. Mọi người thường khuyên rằng hãy nhìn mọi người xung quanh xem họ đang gặp khó khăn gì để tìm một sản phẩm giải quyết khó khăn đó. Nhưng hầu như những sản phẩm như vậy sẽ chẳng đi đến đâu vì nó thiếu sự tinh tế, sâu sắc và đam mê của founder. Các sản phẩm thành công nhất trên thế giới luôn được sinh ra để giải quyết một bài toán cụ thể của chính founder và theo một cách nào đó, phản ánh chính niềm tin và giá trị của founder trong sản phẩm đó. Không phải để giải quyết bài toán của người khác, cho dù là bạn bè hay những người gần gũi nhất.
Phạm Kim Hùng