Tết về, thương nhớ những phiên chợ quê

Văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 27/01/2017

Dự những phiên chợ quê ngày giáp tết, nếu không bán không mua thì cũng mang về bao âm thanh hình ảnh đẹp trong ký ức...

Những cái chợ quê nghèo ở miền Trung, tất nhiên chẳng phải là những phiên chợ Ba Tư sầm uất, tầng tầng lớp lớp, nhuốm màu huyền hoặc như trong Nghìn lẻ một đêm. Nhưng kỳ lạ thay, những phiên chợ quê nghèo miền Trung, dù lèo tèo, hay thưa thớt, vẫn đầy ắp, rộn ràng trong ký ức một kẻ xa quê như tôi.

1. Có lẽ những người từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn thì trong ký ức chắc hẳn lúc nào cũng có hình ảnh những ngôi chợ quê chiếm ngự. Nếu như những đứa trẻ ở thành phố thích đi siêu thị thì những đứa trẻ quê thích đi chợ. Đứa nhỏ nào được mẹ hứa ngày mai sẽ dắt đi chợ thì cả đêm thao thức, tờ mờ sáng đã thót xuống giường, rồi ra ngoài hè ngồi thắc thỏm chờ đợi. Ngày xưa, ai mỗi lần mẹ dắt đi chợ thì coi như là được tưởng thưởng vào một dịp rất đặc biệt. Đi chợ để mua cho con đôi dép, sắm bộ quần áo mới chuẩn bị vào năm học. Mẹ dắt đi chợ, có nghĩa là con được quyền lựa cái kẹp tóc, cái áo mới để ăn tết. Sau khi sắm đồ xong, có khi mẹ hào phóng đột xuất dắt con qua hàng đồ ăn đãi một chầu bánh đúc hay một ly chè đậu ván nóng hổi.

Phiên chợ quê miền Trung - Ảnh: Tiểu Vũ

Chợ quê có những thức mà vườn nhà dù mênh mông mấy cũng không có, như trái chà là, bòn bon, bồ quân… Hồi nhỏ tôi rất thích trái bồ quân, không phải vì ham ăn mà thích nhìn ngắm cái màu nâu thẫm bóng láng của nó. Trái bồ quân nếu không xiên que mà bỏ vào một cái rổ tre vun đầy thì nhìn thật đã mắt. Sau này lớn lên tôi liên tưởng màu bồ quân với booc đô (bordeaux), màu rượu chát và nhớ vị chát của những trái bồ quân. Kể cũng lạ, ngay từ nhỏ tôi đã thích những gì hơi cay, chua, đắng, chát và chỉ thích ăn những gì nguyên bản nguyên si chưa qua chế biến. Như ăn cà rốt thì chỉ cần cạo lớp vỏ rửa sạch rồi cầm cắn. Như ăn bơ thì bóc vỏ mà ăn luôn, chẳng bao giờ có thể ăn với đường với sữa.

Chợ quê đôi khi chỉ là một khoảng đất trống bên đường để người nông dân ngồi bán những bó hoa từ vườn nhà - Ảnh: Tiểu Vũ

Đã là người nhà quê thì đương nhiên phải nhớ những phiên chợ quê. Nhưng trong ký ức tôi có một mảng đời chợ, là bởi má tôi từng một thời bươn chải chợ sớm chợ chiều. Khi tôi ra đời thì má tôi đã có một cái sạp bán quần áo vải vóc ở chợ Đồng Cát (Mộ Đức – Quảng Ngãi) Đó là cái chợ gần nhà, nhóm họp từ sáng sớm đến trưa thì tan, chỉ có những quầy bán rau sống, bún tươi là còn nấn ná bán tới chặp tối. Như một con thoi, sau khi tan chợ Đồng Cát má tôi dọn hàng, đón chuyến xe lam đi chợ chiều. Gọi là chợ chiều vì chợ nhóm họp từ trưa tới chiều tối thì tan. Đó là cái chợ nhỏ không tên, nằm ngoài thị trấn Thi Phổ, cách nhà tôi chừng dăm cây số. Hồi nhỏ, tôi ít khi đi chợ chiều, nhưng lớn dần lên thì chợ chiều lại là nơi tôi thường có mặt. Bởi tôi học buổi sáng, buổi chiều ra chợ cho má sai vặt, cũng có khi cầm cuốn sổ đi đòi nợ trong chợ và những chợ chiều ở các xã khác nữa.

Hồi nhỏ tôi ngơ ngáo ghê lắm, như thằng đần thằng đờ, gặp ai cũng nhìn, thấy cái gì cũng săm xoi. Sau này lớn lên học trường huyện, tôi có một điều bí mật mà chẳng mấy ai biết, đó là có nhiều đứa nhà gần chợ thì tôi đã biết mặt tụi nó ngay từ hồi nhỏ. Đứa nào con nhà giàu, đứa nào con nhà nghèo, tính khí mỗi đứa ra sau, nói chung tôi có thể nắm được cơ bản. Tôi biết rất nhiều người mà họ chẳng biết tôi là ai. Đời vui là vậy.

Người nông dân đi mua hoa về cúng ông bà tổ tiên trong dịp tết - Ảnh: Tiểu Vũ

2. Thuở nhỏ, thường từ những phiên chợ chiều bước ra, cho nên khi lớn lên, lang bạt đó đây, khi qua những vùng quê, tôi lại thường nhìn vào những ngôi chợ chiều.

Những ngôi chợ chiều thường nhóm họp ven đường, có khi chẳng có cái “ngôi” tức cái mái chợ chi cả. Chỉ là mảnh đất trống, dựng tạm vài khung tre, che vài miếng ni-lông phất phơ phờ phật. Chợ chiều thường bán những thứ rất thiết thực hằng ngày, ra chợ mua về là dùng ngay, như cây kim sợi chỉ hay mớ rau con cá. Có người vừa đi tát đi câu về ghé chợ ngồi bán luôn. Có người vừa lùa vịt về chuồng, rồi tạt qua chợ bán chục trứng vịt đẻ lọt ngoài ruộng. Có người từ trên núi gánh xuống gánh củi, không bán mà đổi lấy vài cân gạo, lít nước mắm, mấy con khô rồi quay quả trở về. Có mấy cô gái chắc vừa đi làm ruộng về, tranh thủ ra giếng xối mấy gàu nước rồi vào thay đồ đi chợ, mái tóc dài chưa kịp khô làm ướt thẫm lưng áo.

Cha con người bán hoa tết ở chợ quê - Ảnh: Tiểu Vũ

Khi bóng chiều buông xuống lấp lóa, nhìn từ xa, cái chợ chiều trông buồn hiu buồn hắt. Buồn cay khóe mắt. Nhưng bước chân vô chợ thì chưa hẳn buồn. Nếu như phiên chợ nào có cô em bán thịt heo đẫy đã, mắt lúng la lúng liếng, miệng như tép nhảy thì người khách chợ như tôi đây sẽ rất sướng cái bụng. Tôi cũng vui khi thấy một cụ ông say la đà, chân nam đá chân chiêu, đang tìm mua mấy hột vịt lộn để về “chiến” tiếp. Tôi cũng vui khi thấy một cụ bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu, nét mặt bình thản, coi việc bán buôn chỉ là cái cớ để đẩy đưa câu chuyện nhân gian, hay giản đơn là tới chợ chỉ để gặp những người bạn cũ, chào một câu muôn thuở: “Bà đi chợ đấy hử?”

Càng vui khi bước vào chợ quê mà tìm được cái món mà mình thích.

Đi chợ quê chở mùa xuân về nhà - Ảnh Tiểu Vũ

Tôi nhớ lần đó về Phước Thuận (Tuy Phước- Bình Định) thăm thi sĩ Ngô Liêm Khoan. Buổi chiều hai thằng đèo nhau ra chợ quê lựa mua được con cá đuối tươi rói, rồi về ra vườn cắt cái bắp chuối, hí húi nấu món cá um. Bữa nhậu chỉ độc món cá đuối um chuối thôi mà thấy… phong phú chi lạ. Cụng với bạn chén rượu mà nhớ ánh mắt lúng liếng của cô nàng bán cá xinh giòn. Ánh mắt ấy còn như là một câu hỏi: “Ơ, cái anh này trông bộ cũng bảnh mà đi chợ mua cá, không biết dị gì hết trơn hết trọi?” Mình đương nhiên cũng chỉ cười, nhưng trong bụng thì thầm trả lời: “Dị chi mà dị em ơi. Em không biết chứ hồi nhỏ anh cũng từng ra chợ ngồi chồm hổm ăn chè, rồi mặt dàn mày dày đi đòi nợ khắp nơi”.

Dọc theo dãi miên Trung, theo như tôi biết có những phiên chợ mỗi năm chỉ nhóm họp một lần vào dịp Tết cổ truyền. Tùy theo mỗi nơi, người dân chọn một trong những ngày giáp tết. Địa điểm chợ có thể là ngôi chợ cũ, hoặc một điểm khác thuận tiện cho việc đi lại. Buổi họp chợ hôm đó sẽ thật tưng bừng náo nhiệt, dường như không thiếu bất kỳ sản vật làng quê nào. Người ở thôn xóm khác cũng mang hàng về đây bày bán, gọi là giao lưu, trao đổi. Có người mổ con heo mang ra chợ bán rồi mua về lá chuối để gói bánh tét bánh chưng. Người bán lá chuối thì mua về con gà để nấu cúng tất niên. Người bán gà thì mua về mấy chậu hoa vạn thọ chưng ba bữa tết. Cứ thế mà xoay vòng.

Dự những phiên chợ quê ngày giáp tết, nếu không bán không mua thì cũng mang về bao âm thanh hình ảnh đẹp trong ký ức.

3. Tôi từng có vài chuyến lang thang Tây Bắc, Đông Bắc, từng dự phiên chợ Bắc Hà từ lúc tờ mờ sáng để nhấp chén rượu nếp nương được rót ra từng những thùng rượu to đặt trên lưng ngựa thồ. Hầu hết người dắt ngựa thồ rượu là đàn bà người Tày, người Mông, người Dao… Tôi thấy lạ là có những gã đàn ông ra chợ nách cắp con lợn, tay ôm con gà. Gã đàn ông đó đứng xớ rớ góc chợ, ai hỏi mua thì bán, không ai hỏi mua thì… mang về. Thử hình dung, thử nhập vai mình là gã người Tày ôm con gà đứng góc chợ kia xem sao? Chịu, không hình dung được. Chỉ nghĩ rằng, cái con gà trên tay gã ấy chắc không nghĩ mình đang dự vào một cuộc mua bán. Nó chắc nghĩ rằng mình đang được đưa đi dạo chơi, nên trông tí tửng lắm, thỉnh thoảng cứ rướn cổ cúc tác cúc tác. Chỉ có gã đàn ông kia thì mặt vừa buồn vừa nhàu.

Có lẽ, một thằng viết văn như mình cũng từa tựa như gã đàn ông ôm con gà ra chợ bán ấy. Nhà có chút văn nào thì mang ra bán chút ấy. Nếu như những ngày giáp tết thiên hạ đua nhau bán đồ tết thì nhà văn cũng đi bán văn tết, nhà thơ bán thơ tết. Chỉ khác, nếu không ai mua gà thì gã kia sẽ mang nó về làm thịt uống rượu, còn nhà văn thì không thể mang mớ văn về “nhai văn” trừ cơm (!)

Chao ơi, phiên chợ quê chính là cái phiên đời người đấy. Có buồn có vui. Nhưng đã chợ chiều thì không sao tránh được cái hiu hắt. Và, chợt dưng lòng nhớ tới hai câu thơ như rứt ruột của thi sĩ Thu Bồn:

Về đi em chợ chiều sắp vãn

Nhớ mua giùm anh một gói nhân tình.

Nhân tình, ai bán mà mua?!

Trần Nhã Thụy

Tiểu Vũ