Tết sum vầy của gia đình ông Hàn Đức Long
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:56, 27/01/2017
Bánh chưng nhiều gấp 5 lần năm trước
Vừa mới cùng cậu con trai đảo lại một góc mái nhà bị dột, ông Long lui cui dọn dẹp đồ đạc và nở nụ cười tươi chào khách.
Gia đình ông Long gói và luộc bánh chưng từ ngày 28 Tết. Qua một đêm cho bánh nguội, ông Long và vợ cẩn thận dùng khăn lau sạch sẽ từng chiếc bánh rồi xếp vào thúng.
Tết Đinh Dậu với gia đình ông Long là cái Tết đoànviên sau 11 năm xa cách nên nhà ông gói bánh chưng nhiều hơn mọi năm.
“Cả chục năm nay nhà tôi không gói bánh chưng rồi, anh em họ hàng mỗi người cho một chiếc được tầm 5 cái là đủ Tết. Năm nay chồng tôi được trả tự do, cả nhà quyết định gói 7 đấu gạo được gần 20 cái bánh chưng, nhiều gấp 5 lần những năm trước vì năm nay có nhiều bạn bè, anh em hẹn sẽ sang nhà chơi Tết”, bà Mai (vợ ông Long), vừa tỉ mẩn xếp bánh vào thúng vừa kể.
Vẫn chưa quên được 11 lần đón Tết trong tù, ông Long kể suốt quãng thời gian đó phải đón 7 cái Tết trong phòng biệt giam và 4 cái Tết trong phòng giam chung. Bởi thế, mỗi khi xuân về luôn là thời khắc ông cảm thấy buồn nhất và nhớ nhà, nhớ vợ con. Có những đêm giao thừa, ngồi trong phòng biệt giam, chân bị cùm, cảm nhận Tết cận kề mà nước mắt người tử tù cứ thế rơi.
“Tôi thèm lắm tình cảm gia đình, tình yêu thương của ngườithân bên cạnh. Ở trong tù chúng tôi cũng được phát mỗi người một khoanh giò, một cái bánh chưng, gói kẹo.Đồ ăn như vậy cũng đủ nhưng thứ mà tôi thèm muốn nhất, tôi ước ao nhất là một bữa cơm gia đình. Đã có lúc trong thời khắc giao thừa tôi chắp tay cầu nguyện nếu kiếp này không được minh oan thì hãy cho tôi được ngồi ăn cơm cùng vợ, con một lần trước khi bị xử tử”, ông Long nhớ lại.
Đưa bàn tay nắm chặt lấy đôi tay gầy guộc đang run bần bật của chồng, bà Mai bảo năm nay sẽ là năm đón Tết mà mọi buồn phiền, nước mắt sẽ nhường chỗ cho niềm vui và tiếng cười. Những năm trước, mấy ngày Tết bà chẳng dám đi đâu, phần vì mặc cảm phần vì nhớ chồng nên nằm trong nhà khóc.
“Gà thì nhà nuôi, thịt lợt chị dâu vừa mổ mang cho một ít, rau củ ngoài vườn sẵn, tiền không có nên không sắm sửa được gì nhiều nhưng như vậy cũng vui và hạnh phúc lắm rồi vì ông Long được về nhà, các con tôi có bố bên cạnh, mấy đứa cháu nội có ông bế”, bà Mai tâm sư.
Năm mới chỉmong có sức khỏe
Những ngày đầu được trả tự do, trở về nhà ông Long thấy cái gì cũng lạ lẫm. Ông thấy mình như một đứa trẻ phải học lại từ đầu nhiều thứ từ cách dùng điện thoại di động, cách mở ti vi rồi cả cách bế ẵm, dỗ dành 2 đứa cháu nội. Giờ thì ông đã làm quen dần, bắt nhịp dần với cuộc sống bình thường, đã có thể đi lại thăm người thân ở gần, có thể phụ vợ cho gà ăn.
Thế nhưng sau những năm tháng bị biệt giam, thứ quý giá nhất là sức khỏe thì đã yếu dần đi. “Tôi chỉ đi lại được một lúc là phải nghỉ, cố đi là chóng mặt và ngã”, ông Long nói.
Ông Long đang sửa soạn lại bàn thờ gia tiên để đón Tết - Ảnh: Thân Hoàng
Ông Long cho biết ngoài bệnh huyết áp cao thì ông thường xuyên bị ho, chân tay nhức mỏi, bị đau đầu và tinh thần thì chưa thật sự ổn định. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình chưa thể đưa ông Long đi khám sức khỏe tổng thể để phát hiện bệnh và điều trị sớm.
Từ lúc ông bị bắt, bà Mai một mình làm 6 sào ruộng, đi phụ hồ để có tiền nuôi con và thăm chồng. Con gái và con trai đều phải bỏ học đi làm thuê nhưng tiền kiếm được chẳng đủ bà Mai đi kêu oan cho chồng. Bà Mai vay mượn khắp nơi, đền ngày ông Long được trả tự do thì gia đình cũng mắc một khoản nợ lớn.
Nói về ước vọng trong năm mới, ông Long bần thần: "Chỉ mong ông trời cho sức khỏe để có sức bù đắp lại cho những mất mát của vợ con. Tôi cũng mong được những cơ quan chức năng làm sai sớm xin lỗi công khai trả lại danh dự cho tôi và đền bù thỏa đáng. Có tiền đền bù tôi sẽ xây lại căn nhà trước vì nhà cũ lắm rồi, mái ngói dột lỗ chỗ, cần phải làm lại để có chỗ ở cho tử tế. Đó là hai điều tôi mong muốn nhất bây giờ, có sức khỏe và làm lại được căn nhà là hạnh phúc lắm rồi”.
Thân Hoàng/Tuổi Trẻ