Vĩnh Phúc: Chặt rừng phòng hộ làm nghĩa trang hay đào khoáng sản?
Sự kiện - Ngày đăng : 17:43, 04/02/2017
>>Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đồng ý phá bỏ rừng phòng hộ xây công viên nghĩa trang
Đó là những câu hỏi được đặt ra xung quanh việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương quy hoạch xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh hằng Vĩnh Phúc tại khu vực núi Ngang, thuộc địa bàn xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Dự án với hơn 70 ngàn mộ cải táng và 8 toà tháp với 2 triệu ngăn đựng tro cốt người sau hoả táng.
Toàn bộ diện tích mà nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư Bình Minh Xanh, có địa chỉ tại số nhà H10, ngõ 132, phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhắm đến cho dự án là 150ha đất rừng trồng phòng hộ đã được nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng từ năm 2002.
Theo thống kê, vào cuối năm 2015 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo có 3 loại hình đất rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đất rừng phòng hộ của Tam Đảo chỉ có diện tích vỏn vẹn 537,66 ha.
Còn tại “Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH huyện Tam Đảo đến 2020 và tầm nhìn 2030” được duyệt tháng 12.2010 thì, có 2 chi tiết đáng chú ý: đó là việc định hướng "bảo tồn và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng" chứ không phải chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích khác. Thứ hai là quy hoạch cũng xác định rõ, xã Bồ Lý thuộc cụm xãvùng đệm của Rừng quốc gia Tam Đảo.
Đáng chú ý hơn, đó là toàn bộ diện tích 150ha đất trồng rừng phòng hộ được nhắm đến đều thuộc khu vực Núi Ngang, xã Bồ Lý - là hai địa danh đã được thăm dò khoáng sản, kết quả cho thấy đây là khu vực có trữ lượng khoáng sản hết sức dồi dào
Cụ thể, theo đánh giá trữ lượng khoáng sản đã được tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định thì trên địa bàn tỉnh có 8 mỏ Felspat thì huyện Tam Đảo hiện có 2 mỏ. Cụ thể, mỏ Felspat thôn Nghĩa Lý, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo: Số hiệu: F09; Diện tích 115ha, chiều dày trung bình 5m; trữ lượng tài nguyên dự báo: 8.356.141 tấn.
Mỏ Felspat núi Ngang, huyện Tam Đảo; số hiệu: F10; Vị trí, đặc điểm phân bố: thuộc thôn Sơn Thanh, xã Đại Đình và thôn ngọc Thụ, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo; Diện tích 120ha, chiều dày trung bình 4m. Trữ lượng (Tài nguyên dự báo): 6.915.427 tấn; Chất lượng và giá trị sử dụng: Kết quả mẫu hoá K2O: 4,01%, Na2O: 3,28%,T.Fe: 3,15%; Felspat đảm bảo yêu cầu sản xuất đồ gốm sứ, nguyên liệu xương và men cho sản xuất gạch ceramit, granit nhân tạo. (Nguồn: http://ttdh.vinhphuc.gov.vn/qlvb/vbdh.nsf/E845E678C7956ACE47257C0700058AE3/$file/XIN%20Y%20KIEN%20BAN%20TVTU%20VE%20QH%20CAOLIN-PENPAT.16.10.13%20.doc)
Trên thực tế, hiện nay, tại các khu vực nói trên, tình trạng khai thác trộm khoáng sản vẫn đang diễn ra khiến đời sống người dân bị đảo lộn.
Với trữ lượng khoáng sản lớn và có giá trị cao như nêu trên, dư luận đặt ra câu hỏi rằng: Phải chăng có lợi ích nhóm trong việc phê duyệt, chấp thuận xoá bỏ rừng trồng phòng hộ để xây dựng công viên nghĩa trang? Liệu có hay không việc núp bóng danh nghĩa xây dựng công viên nghĩa trang để khai thác khoáng sản, vơ vét tài nguyên tư lợi cá nhân?
Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thuý Lan - Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc để trao đổi xung quanh việc này nhưng cả hai đều không nghe máy và không trả lời tin nhắn.
Trong một diễn biến khác, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, hiện ông đang đợi anh em báo cáo cụ thể, sang tuần sẽ có ý kiến chính thức về việc này.
Nam Phong