Hủ tục bắt vợ: Trai bản cũng chán ngấy nhưng vẫn phải làm
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:20, 07/02/2017
Miền mây phủ
Tây Giang là huyện miền núi có 8 xã giáp với biên giới nước Lào. A Ía ở thôn Da Dinh 1, xã Gary; cái xã mà tôi bị nhồi lên xuống trên xe tải 2 cầu từ mờ sáng đến nửa đêm mới leo qua được trùng điệp núi non vào trung tâm xã. Nói là trung tâm chứ thực ra đó là một bãi đất bằng trên một quả đồi, người ta san đều rồi xây trụ sở xã, trường học, nhà gươl, đếm đi đếm lại đúng 5 nóc.
Hết đông sang xuân, vùng cao này mưa suốt ngày. Từ huyện lỵ Tây Giang vào đến xã Gary tầm gần 100 cây số đường cheo leo vách núi. Đỉnh Trường Sơn cao muôn trượng, đường vì thế mà cứ lên mãi, có lúc vọt đầu qua khỏi tầm mây; bất giác ngó xuống thấy khúc cây lao vùn vụt về vực sâu hun hút gãy răng rắc, nát tan tành. Vì thế, muốn vào những xã này chỉ có cách đi xe máy đã qua độ chế bằng cách quấn dây xích quanh bánh để khỏi trơn trượt và với tay lái cứng cáp của những người chuyên đi rừng săn chắc. Nếu thêm chút hàng hóa thì phải dùng xe tải hai cầu mới đủ sức bươn qua những đoạn đường dốc nhão nhoét bùn đất. Ở đây, hầu như ai đi đường cũng phải mang ủng, đất đỏ bám chặt lên đến gần yên xe máy, nhuốm ố áo quần, mặt mũi.
Suốt gần 18 tiếng mà chúng tôi vật lộn với đường vào, chiếc xe tải sa lầy tới 4 lần, mỗi lần như vậy mất vài tiếng đồng hồ để gầm rú vượt qua. Ai cũng nóng ruột vì trời đã về khuya mà xe vẫn chết dí. Lạ là cánh tài xế không hề nóng mặt, bực tức; hết néo dây bất thành thì họ lại xoay qua chèn đá dưới bánh xe, đào rãnh mở đường rất lặng lẽ, làm đến lúc nào xe qua được thì thôi. Hỏi mới hay đây là chuyện thường tình ở cung đường này. Cánh xe tải chở hàng hóa vào các xã biên giới thường xác định cả tuần trời mới vào được nên đã thành quen.
Khi cả đoàn đang lúi húi với xe tải, từ trên dốc một đoàn người gánh võng lao xuống. Đó là chị dâu A Ía. Cô ta đau đẻ, sinh ở nhà không được, gọi xe cấp cứu huyện cũng không vào được. Vậy là già làng huy động làm võng gánh sản phụ đi, mất gần ngày trời với sức trai bản mới gánh từ xã xuống được bệnh viện gần huyện để sinh. Rất may, chị dâu A Ía đã đưa tới kịp thời, sinh cháu bé khỏe mạnh.
A Ía bảo, trên trạm xá xã không có người đỡ đẻ nên thường ai mang thai còn vài tuần đẻ là xuống bệnh viện huyện nằm chờ, ai không có tiền thì ở nhà, khi khó quá thì phải gánh đi như chị dâu, bất kể ngày đêm; những người đau bệnh cũng phải gánh đi như vậy vì đường sá xe cộ không đi được.
Cũng đã có nhiều trường hợp gánh đi không kịp chết giữa đường. “Năm em học lớp 11, Ría Thị Lem cùng làng bị bỏng phải gánh xuống huyện cấp cứu nhưng không kịp. Rồi sau đó Jơ râm Thị Míu bị ho ra máu, người làng cũng gánh đi, uống sữa không được, giữa đường thì chết”, A Ía kể. Theo tục ở vùng này, những người chết giữa đường sẽ phải nhờ già làng làm lễ cúng 3 ngày; sau khi chôn sẽ bắt một con chó chặt ra nhiều khúc rồi mang đi chôn khắp các hướng vào làng.
Đỉnh Trà Xiên dễ cao cả ngàn mét so với mặt biển. Tôi lên đây từ sáng đến trưa chỉ thấy quanh mình là sương mù. Trời xế, vài tia nắng lọt vội xuống đất rồi lại mất hút sau đám mây chiều sà xuống. Ngày xuân, người Gary không chộn rộn với mua sắm, lá dong, vàng mã. Niềm vui của họ là thỉnh thoảng có vài đoàn từ thiện lên hỗ trợ quà tết, nào nước mắm, gạo, đường, áo ấm.
Chị Bling Hon, Phó chủ tịch xã Gary kể: “Toàn xã có 6 thôn với 333 hộ/1.750 nhân khẩu, trong đó có 302 hộ nghèo, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Cơ Tu”.
Nhìn quanh quất ở đây chẳng thấy người dân biết làm gì. Chị Hon kể, do thời tiết ở miền cao, quanh năm mây phủ nên làm ruộng lúa không được. Với người đồng bào dân tộc các vùng cao, trong năm lễ cúng lúa mới là lễ hội quan trọng nhất nhưng ở đây giờ không cúng nhiều mấy vì không có lúa. Thành ra, lễ Tết của người Kinh được đồng bào theo làm lễ chính trong năm.
“Phát rừng để sản xuất cũng không được nên người dân chủ yếu tranh thủ trồng cây đẳng sâm (sâm dây), tầm 60 ha cho cả xã. Khoảng 63 hộ ở thôn Glao sát sông Bung thì tranh thủ qua bên kia sông mượn đất của bản Ta Ta Lăng, tỉnh Sê Kông, Lào để trồng lúa. Nói chung, kinh tế của người dân xã Gary gặp nhiều khó khăn vì không có phương tiện sản xuất và khí hậu không ưu đãi”, chị phó chủ tịch xã kể.
Niềm ưu tư
A Ía năm nay 22 tuổi. Người cậu ngăm đen chắc nịch, tóc bóng dày xoăn tít, sống mũi cao đúng tạng của người đồng bào Cơ Tu ở mạn biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Hôm gặp tôi, A Ía cùng dân bản đang quần tụ dưới dốc vào xã nhận quà tết. Ai cũng hí hửng. Tụi trẻ con rộn ràngvới những bụm kẹo, bong bóng, đồ chơi. Thiếu nữ ửng má với những chiếc quần jean mới. Cụ già lụi hụi gùi bao gạo, gói đường, chiếc khăn rảo liêu xiêu theo con dốc, miệng bì bập thuốc vấn nhét tẩu.
A Ía kể, nhà có 6 anh chị em, gia cảnh khó như bao người ở trong làng. Anh chị dựng vợ gả chồng hết, chỉ còn mỗi A Ía đang độc thân. “Ở trên này không có gì làm cả, thanh niên cũng quay ra quay vào vậy chẳng biết làm gì. Em thì may hơn đang làm thuê ở một xưởng mộc duy nhất trong vùng, gọi là có việc”. “Rồi tương lai sao?”, tôi hỏi. “Chẳng biết, như người làng vậy thôi”. “Vợ con chưa?”. “Em đang buồn chuyện đấy đây”.
Số là, A Ía đang bị mẹ ép bắt đi bắt vợ, một người mà cậu chàng không ưng bụng. Ở vùng Gary này trước nay vẫn có tục bắt vợ. Thường thì người mẹ sẽ chủ đạo việc chọn con dâu, là những cô gái có họ hàng bên mẹ như con cậu. Sính lễ để được bắt vợ phải ít nhất có 2 con heo. Khi người lớn đã định sẵn duyên lứa rồi sẽ tới nói chuyện với nhau gọi là lễ ăn hỏi. Sau đó, cha mẹ hai bên sẽ ngồi lại trong một tối để xin được bắt con dâu, nếu tất cả đồng ý thì chàng trai sẽ bắt cô gái về làm vợ ngay trong đêm.
Bây giờ, hủ tục này đã bớt đi nhưng A Ía vẫn đang là nạn nhân. A Ía thở dài: “Con vợ mà mẹ đang bắt em đi bắt là con của anh họ mẹ. Nó tầm 15 tuổi. Chị của nó ngày trước mẹ em cũng bắt anh trai kế em đi bắt về làm vợ, bắt về xong rồi nó lại bỏ đi. Sau này anh trai em lấy người khác là chị dâu em bây giờ, rất hạnh phúc”.
“Em có yêu cô ta không?”. “Không. Em nói rồi nhưng cha mẹ không chịu, nói phải bắt”. “Riêng em nghĩ như thế nào?”. “Không yêu nhau sao làm vợ chồng được. Với lại, đây là hủ tục, lấy nhau gần huyết thống rồi con cái bệnh tật. Lệ làng giờ không có chuyện đó, nhưng do quan niệm của từng người, cha mẹ em giờ vẫn muốn vậy”. Lác đác vài năm nay cũng có vài trường hợp bắt vợ như vậy, theo nhẩm tính của A Ía.
Thời đại facebook, thanh niên bản xa xài điện thoại thông minh đã là chuyện thường. Suy nghĩ của A Ía, suy nghĩ của một lớp thanh niên mới đã vượt qua khỏi những đám mây quanh năm che phủ đỉnh Trà Xiêng. A Ía bảo sẽ về nói thêm nữa với cha mẹ, sẽ gắng kiếm việc làm và sẽ kiếm một người mình yêu để cưới. Một mong muốn quá đỗi bình thường của chàng trai đại ngàn.
Đêm tối trời, chiếc xe tải chở chúng tôi lùi lũi xuống đèo về xuôi. Ông Tư Bình đi cùng tôi, người tếu táo nhất trong đoàn không hết tặc lưỡi về tâm sự của A Ía. “Tội thằng nhỏ, thời nào còn có chuyện ép gả người cùng anh em. Tao có nói chuyện này với bà phó chủ tịch rồi, chắc mấy bả sẽ nói thêm với gia đình”.
Rồi lão quay sang tán phétđủ chuyện từ Ngọc Trinh-Hoàng Kiều, chuyện lão sợ vợ, chuyện lão về hưu bán căn nhà ở Sài Gòn gửi ngân hàng đưa vợ đi du lịch…Như liều thuốc hiệu nghiệm, cả thùng xe đầy người không nhịn nổi cười dù đêm đã rất khuya, mắt ai cũng đã ríu mà cái xe thì lắc lư điên đảo đập vào hông ngườibò từng mét một.
Còn tôi, nghĩ thoáng về câu chuyện A Ía, về bản làng xa xôi trên mây ngàn này. Đã có những le lói từ nội tại để xóa đi hủ tục từ bao đời trên đỉnh Trà Xiên.
Lê Đình Dũng