Ca ghép thận chéo đầu tiên ở Việt Nam: Mở cơ hội tìm kiếm nguồn tạng
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:11, 07/02/2017
Bất ngờ đến với 2 bệnh nhân suy thận mạn
Ngày 7.2 thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay bệnh viện này vừa thực hiện thành công 2 ca ghép thận chéo từ 2 cặp cho và nhận thận.
PGS-TS-BS Thái Minh Sâm – Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau gần 1 tháng thực hiện 2 ca ghép thận chéo, cả haibệnh nhân đượcnhận thận đều được khỏe mạnh, chức năng thận diễn ra bình thường.
Cả 2 bệnh nhân thực hiện ca ghép thận “tréo cẳngngỗng” này đều ở độ tuổi còn rất trẻ, đó là chị L.T.A.H (31 tuổi, quê Kiên Giang) và chị V.T.H (32 tuổi, quê Đắk Nông). Cả haiđều bị suy thận mạn giai đoạn cuối đang chờ ghép thận.
Theo thông tin ban đầu, chị L.T.A.Hđược cha dượng mình là ông T.N.X (51 tuổi) cho thận; còn chị V.T.H được mẹ ruột mình là bàN.T.H ( 58 tuổi) cho thận. Chị H. và ông X. đều có cùng nhóm máu B,hệ thống kháng nguyên hòa hợp -HLA 2/6, PRA: 46%, kháng thể A24 dương tính với người hiến thận; còn chị H. và bà H. cũng có cùng nhóm máu B, hệ thống kháng nguyên hòa hợp – HLA 4/6, PRA: 31%, kháng thể dương DR 4 dương tính với người hiến.
Theo bác sĩ Sâm, cả haicặp trên đều có kháng thể chống lại người cho nên nguy cơ thải ghép rất cao, thận sẽ không kéo dài, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạngbệnh nhân.
Trước tình hình trên, ê kíp ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy đã trao đổi với các chuyên gia ghép tạng hàng đầu thế giới và được các chuyên gia thống nhất nên thực hiện phương pháp ghép chéo để cứu 2 bệnh nhân trên.
Sau đó, ê kíp ghép thận lại tiếp tục làm việc với Hội đồng khoa học của Bệnh viện Chợ Rẫy để báo cáo việc cần thiết phải tiến hành ghép chéo cho 2 bệnh nhân trên và đã được đồng ý.
“Điều may mắn ở 2 cặp cho và nhận nói trên là có cùng nhóm máu B, chỉ có kháng thể chống lại. Do đó khi đổi chéo, người cho chị L.T.A.H chuyển sang cho chị V.T.H và ngược lại sẽ phù hợp kháng thể giúp việc ghép thận đạt hiệu quả”, bác sĩ Sâm giải thích.
Nhận định để thực hiện thành công 2 ca ghép thận nói trên phải ghép chéo, ê kíp ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy đã bàn bạc, nói rõ những vấn đề trên cho 2 cặp hiểu và cuối cùng họ đã chấp nhận.
“Do đổi chéo nên việc ghép thận cho cả 2 cặp này phải diễn ra cùng thời điểm trong ngày 11.1.2017. Cả 2 ê kíp ghép thận cùng lúc gây mê, cùng lúc phẫu thuật.Điều này là để tránh trường hợp có 1 trong 2 cặp trên đổi ý sẽ gây ra hệ lụy xấu. Ngay sau khi tháo clamp mạch máu 2 thận đều hoạt động, 2 ngày sau ghép chức năng thận của 2 bệnh nhân trở lại bình thường. Cả haibệnh nhân ổn định và xuất viện sau 7 ngày ghép”, bác sĩ Sâm cho hay.
Bác sĩ Sâm cho rằng cái khó của việc ghép chéo này là tìm ra được những cặp đảm bảo những điều kiện trên, nhất là phải hòa hợp miễn dịch.
Giải pháp để mở rộng nguồn tạng
Hiện nay nguồn mô tạng ở Việt Nam đang rất khan hiếm. Cả nước có hơn 16.000người đang mòn mỏi chờ ghép tạng nhưng chưa biết khi nào có tạng để ghép, trong đó có không ít người đã chết vì chờ đợi quá lâu.
Theo bác sĩ Sâm, việc thực hiện ghép chéo là phương pháp để mở rộng nguồn tạng đang khan hiếm hiện nay. Trên thế giới, quốc gia đầu tiên thực hiện ghép thận chéo là Hàn Quốc vào năm 1991; còn Mỹ lần đầu thực hiện ghép thận chéo vào năm 2000.
Ông Sâm cho biết hiện nay một số nước trên thế giới đã thực hiện thực hiện việc ghép thận từ người cho không cùng nhóm máu, ghép thận từ người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên của người cho, ghép thận giữa người cho và người nhận có phản ứng chéo.
Trong đó, việc ghép thận từ người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên của người cho được một số nước trên thế giới thực hiện ghép chéo không chỉ ở 2 cặp mà ghép chéo ở cả 3, 4, 5 cặp; ghép chéo bệnh nhân ở bệnh viện này với bệnh viện khác, quốc gia này với quốc gia khác...
“Hiện nay Việt Nam chúng ta mới thực hiện được ca ghép thận chéo cho 2 cặp đầu tiên, chưa thực hiện ghép chéo bệnh nhân giữa bệnh viện này với bệnh viện khác hay ghép chéo cùng lúc 3, 4, 5 cặp. Tuy nhiên hy vọng với phương pháp này chúng ta có thêm nhiều người suy thận mạn giai đoạn cuối có cơ hội ghép thận, giảm được tình trạng chờ đợi”, bác sĩ Sâm chia sẻ.
Theo ông Sâm, hiện nay trên thế giới việc ghép mô tạng từ người cho chết não, ngưng tim lên đến 40 -60% trong tổng số các ca ghép mô tạng. Trong khi đó, ở Việt Nam tỷ lệ này rất thấp. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy tỷ lệ ghép mô tạng từ người cho chết não, ngưng tim chỉ chiếm 5%, còn lại 95% đều từ người cho còn sống.
“Trước mắt để mở rộng nguồn mô tạng, chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc ghép mô tạng từ người cho bị chết não, ngưng tim cũng như ghép chéo từ người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên người cho, ghép chéo từ người cho và nhận không cùng nhóm máu...”, bác sĩ Sâm nói.
Hồ Quang