Bộ KHĐT gạt dự án nâng cấp tuyến Phú Yên-Gia Lai khỏi danh mục đầu tư bằng vốn trái phiếu, vì sao?
Sự kiện - Ngày đăng : 12:03, 09/02/2017
Dự án nghìn tỉtiếp tục bị dở dang
Ngày 15.12.2009, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã kývăn bản số 2490/TTg-KTN chấp thuận cho UBND tỉnh Phú Yên triển khai đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa phận tỉnh Phú Yên (gọi tắt là dự án) theo hình thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
UBND tỉnh Phú Yên đã rà soát, phân kỳ đầu tư và thực hiện giai đoạn 1 của dự án với chiều dài tuyến là 31,54km trên tổng số 61,3km toàn tuyến và triển khai 8 cầu trên tổng số 15 cầu trên tuyến để phục vụ nhân dân đi lại trong mùa mưa lũ với mức đầu tư 1.547 tỉđồng. Cũng trong giai đoạn 2011 - 2015, dự án đã được bố trí 55 tỉđồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ nhưng bị gián đoạn do chính sách cắt giảm đầu tư công nên công trình phải tạm ngừng thi công.
Trước tính cấp thiết của dự án này, đã 2lần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan sớm bố trí vốn cho dự án. Cụ thể, ngày 2.11.2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký văn bản số 1961/TTg-KTN chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào kế hoạch đầu tư bằng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Gần đây nhất, vào tháng 8.2016, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận, nêu rõ: “Dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với tỉnh Gia Lai là công trình dở dang, UBND tỉnh Phủ Yên và Gia Lai rà soát quy mô, tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư dự án (đoạn qua địa phận mỗi tỉnh) phù hợp với khả năng nguồn vốn. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 1961/TTg-KTN ngày 2.12.2015… đảm bảo đầu tư đồng bộ tuyến đường, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định”.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà đã có nhiều văn bản gửi Trung ương xin được bố trí vốn cho dự án sớm hoàn công, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn trong khi Bộ KH-ĐT mới đây “bất ngờ” dự kiến bố trí vốn cho 2 dự án khác trên địa bàn tỉnh này, dùdự án nghìn tỉdở dangđang nằm phơi nắng mưa trong sự lãng phí tột cùng.
Có vì lợi ích công?
Ngày 10.1.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà có văn bản gửi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ KH-ĐT, Tài chính đề nghị đưa dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai vào kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020.
Trong văn bản, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng quan tâm đến việc Bộ KH-ĐT dự kiến bố trí 900 tỉđồng vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2017 - 2020 cho hai dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông (700 tỉđồng) và chương trình kiên cố hóa trường lớp mẫu giáo tiểu học (200 tỉđồng).
Điểm khiến lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chính là dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông đã được tỉnh báo cáo với Bộ KH-ĐT trước đó và đã ưu tiên cân đối 200 tỉđồng từ ngân sách của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện.
Trong khi đó, dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai đang được triển khai từ năm 2010 với vốn đầu tư đã thực hiện đến nay hơn 1.500 tỉđồng và đang được tỉnh quyết tâm hoàn tất trong năm 2018 lại bị “gạt”, không có tên trong danh mục các dự án được bố trí vốn trái phiếu.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT) cho biết đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành thì dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai cần phải rà soát lại, phân cấp lại mức đầu tư và nếu có tiếp tục triển khai thì cần bổ sung thêm những thủ tục theo quy định. Về dự án này, Bộ KH-ĐT cũng có riêng một tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ để xem xét. Thẩm quyền quyết định sẽ do Quốc hội và Thủ tướng quyết định trong thời gian tới đây.
Trong một văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ về cơ chế triển khai đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên thì Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho rằng theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT chỉ được thanh toán bằng quỹ đất, không quy định việc thanh toán bằng tiền.
Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định chuyển tiếp tại khoản 6 điều 72 của Nghị định 15/2015/NĐ-CP nêu rất rõ: “Dự án đã có cam kết hoặc chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc bộngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ưu đãi, bảo đảm đầu tư và các nội dung khác liên quan đến thực hiện dự án trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó”.
Cần lưu ý dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên hiện đang thực hiện theo văn bản chấp thuận số 2490/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ký từ ngày 15.12.2009, trước cả thời điểm nghị định trên có hiệu lực thi hành (từ ngày 10.4.2015) tới gần 6 năm.
Một lý do khác cũng được Bộ KH-ĐT đưa ra, là trong Thông báo số 460/TB-VPCP ngày 27.12.2013 có nội dung“yêu cầu tỉnh Phú Yên giãn tiến độ triển khai dự án đến sau năm 2015 và không thực hiện theo hình thức BT”. Trên thực tế, UBND tỉnh Phú Yên đã nghiêm túc thực hiện theo văn bản chấp thuận số 2490/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ký trước đó, cũng như liên tiếp trong hai năm 2015 và 2016, Thủ tướng Chính phủ đều có ý kiến nhấn mạnh Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020.
Cho đến nay, điều khiến lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên trăn trở lo ngại chính là việc nếu dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai dở dang bị Bộ KH-ĐT gạt rasẽ dẫn đến việc tỉnh phải đơn phương chấm dứt hợp đồng và sẽ phải chịu phạt 12% giá trị hợp đồng, tương ứng hơn 435,1 tỉđồng. Ngoài ra, tỉnh sẽ phải thanh toán hợp đồng với những khối lượng các nhà đầu tư đã thực hiện như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, tư vấn khảo sát thiết kế, các khối lượng đã thi công trên tuyến...
Hiện chưa rõ “số phận” của dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai sẽ đi về đâu? Nhưng, cách lập danh mục dự án sử dụng tiền từ trái phiếu chính phủ như cách mà Bộ KH-ĐT đang làm khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch, công tâm vì lợi ích công của bộ này.
Gia Khánh