Kinh tế Việt Nam đầu năm mới 2017: vấn đề niềm tin
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:47, 15/02/2017
Một trong những câu chuyện đáng chú ý và gây xôn xao nhất trong nền kinh tế Việt Nam những ngày gần đây là việc công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố bản báo cáo mới nhất, trong đó dự báo đến năm 2050 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 20 thế giới (dựa trên sức mua tương đương – PPP), vượt mặt các nền kinh tế hàng đầu hiện nay như Italia hay Canada. Thông tin này ngay lập tức gây ra một trong những cuộc tranh cãi lớn không chỉ giới hạn trong giới kinh tế mà còn trong xã hội Việt Nam.
Tỏ ra thận trọng về kết quả dự báo, chỉ có một số ít là lạc quan, coi đây là một niềm tin khả dĩ đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai; ngược lại, số tỏ ra nghi ngờ, thậm chí phủ nhận khả năng dự báo trên trở thành hiện thực dường như lại chiếm số đông. Năm 2017 với đầy những kỳ vọng mới chỉ bắt đầu được hơn 2 tháng, nhưng có vẻ như chưa khi nào niềm tin của xã hội Việt Nam với triển vọng nền kinh tế của đất nước trong tương lai lại đặt thành vấn đề đến thế.
Câu chuyện về kết quả trong báo cáo “Trật tự thế giới toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050” của PwC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 20 thế giới vào thời điểm năm 2050 khiến chúng ta nhớ lại điều tương tự đã xảy ra với Trung Quốc vào năm 2015. Theo đó, nếu tính toán dựa trên GDP theo ngang giá sức mua (PPP – sức mua, quy mô hấp thụ của thị trường) thì năm 2015 Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thông báo này gây ra sự chú ý nhất định trên toàn cầu trước khi được làm rõ rằng GDP tính theo PPP không đồng nghĩa với tổng quy mô GDP của nền kinh tế cũng như GDP bình quân đầu người. Xét theo hai tiêu chí quy mô GDP và GDP đầu người thìTrung Quốc vẫn còn kém Mỹ khá xa. Mọi chuyện ngay lập tức lắng xuống. Nhưng trong câu chuyện của Việt Nam thì không, dù đại diện của PwC Việt Nam đã giải thích rõ ràng về kết quả dự báo của mình.
Sở dĩ những tranh cãi ở Việt Nam vẫn chưa lắng xuống làvì cốt lõi vấn đề có lẽ lại nằm ở chỗ khác: niềm tin. Nổi bật lên trong câu chuyện này là việc dường như phần đông xã hội Việt Nam không tin tưởng rằng nền kinh tế của đất nước mình sau 33 năm nữa có thể vượt qua những nền kinh tế hiện đang có chân trong G7 như Italia hay Canada;thậm chí vượt qua được các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan như PwC dự báo là điều không tưởng.
Ở thời điểm hiện tại, PwC là một trong bốn công ty kiểm toán đứng đầu thế giới (cùng với KPMG, Deloitte, Ernst & Young), theo CafeF. Hãng này cũng sở hữu mô hình dự báo kinh tế được đánh giá cao, kết quả dự báo cũng được xem là có cơ sở và có độ tin cậy nhất định. Xét trên nhiều khía cạnh, dù không thể khẳng định những gì PwC dự báo chắc chắn sẽ trở thành hiện thực thì ít nhất đó cũng có thể xem như một niềm tin có cơ sở đối với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Nhưngthực tế là số người thuộc nhóm này dường như lại chiếm thiểu sốtrong cuộc tranh luận đang sôi nổi trên các trang báo và mạng xã hội Việt Nam những ngày qua.
Sự bi quan ở một mức độ nhất định của một phần khá đông người Việt Nam về triển vọng nền kinh tế đất nước thể hiện qua câu chuyện kết quả dự báo của PwC lần này cũng không phải điều gì mới mẻ. Những tranh cãi tương tự cũng mới xảy ra cách đây khônglâu khi cóđề xuất bỏ Tết âm lịch. Cũng giống như với kết quả dự báo của PwC, xã hội Việt Nam cũng chia làm 2 nửa trong cuộc tranh luận về việc có nên bỏ Tết âm lịch để chuyển sang ăn Tết dương hay không. Trong đó, cốt lõi của vấn đề cũng là yếu tố niềm tin đối với tương lai nền kinh tế: bỏ Tết âm lịch liệu có trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhanh hơn hay không. Những người ủng hộ thì nói có, những người phản đối thì nói không. Những người phản đối bỏ Tết âm (có lẽ cũng là những người hoài nghi về việc kinh tế phát triển nhanh hơn nếu bỏ Tết âm) có lẽ đông đảo hơn trong cuộc tranh luận ầm ĩ này, nên câu chuyện lại lắng xuống như mọi khi.
Nếu như tìm kiếm các kết quả khảo sát trên Internet về sự lạc quan của người dân đối với triển vọng kinh tế trong năm mới 2017 được thực hiện bởi các tổ chức cả trong và ngoài nước, có thể thấy Việt Nam luôn nằm trong top dẫn đầu khu vực và châu lục về sự lạc quan này. Nó cho thấy một thực tế, đó là đông đảo người dân trong xã hội Việt Nam đều lạc quan tin rằng tình hình kinh tế trong năm mới sẽ tốt hơn năm cũ. Nhưng qua câu chuyện dự báo của PwC và đề xuất bỏ Tết âm nói trên, có thể thấy đó là một sự lạc quan và là một niềm tin hữu hạn: người dân Việt Nam sẵn sàng tin tình hình kinh tế và việc làm ăn trong năm mới sẽ tốt hơn, nhưng không sẵn sàng tin rằng nền kinh tế của mình có thể vượt mặt các nước trong khu vực chứ đừng nói là các nước trong G7 dù là trong vòng 33 năm tới.
Niềm tin hữu hạn đó không thay đổi kể cả khi PwC đã giải thích rõ rằng đó là kết quả dựa trên tính toán theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), nói cách khác là đến năm 2050 Việt Nam sẽ là một trong 20 nước có quy mô tiêu thụ của thị trường lớn nhất thế giới. Với một nền kinh tế tăng trưởng bình quân 5-6% từ nay đến năm 2050, một thị trường gần 100 triệu dân trong đó đa phần là dân số trẻ có sức mua ngày càng tăng, thì kết quả dự báo về quy mô sức mua của PwC là điều khả dĩ có thể đoán trước. Nói cách khác, tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam là không phải bàn cãi. Vì thế, nguyên nhân quan trọng nhất khiến phần lớn người dân trong xã hội Việt Nam hoài nghi về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đất nước có lẽ nằm ở cách thức điều hành vĩ mô chưađược như sự kỳ vọng mà thôi. Và đó chính là thách thức đang đặt ra cho Chính phủ hiện nay, dù Chính phủ tỏ ra rất quyết tâm đổi mới.
Nhàn Đàm