Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM: Đến ngày hội thơ để nghe... nhạc

Văn hóa - Ngày đăng : 10:43, 12/02/2017

“Ngày thơ Việt Nam” tại TP.HCM năm nay được cho là tổ chức bài bản và qui mô cùng nhiều điểm mới hơn so với những năm trước…Nhưng cũng chính từ đây đã xuất hiện không ít những điều trăn trở cần phải nói thẳng với nhau để lần sau có những ngày thơ trọn vẹn hơn…

Đến hội thơ để thưởng thức… tiếng ồn

Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM năm 2017 được diễn ra vào sáng 11.2 tại khuôn viên Hội Nhà văn TP. Năm nay BTC bố trí 25 gian thơ, gồm khoảng 20 gian của các CLB thơ quận huyện và các gian của CLB văn, thơ các trường đại học.

Về mặt hình thức, có thể nói Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức khá công phu và bài bản. Dưới một không gian rộng và đẹp, mỗi gian thơ tham gia đã tạo được những ấn tượng độc đáo để thu hút người yêu thơ và du khách với nhiều hình thức trang trí khá đẹp mắt. Nhiều người đến đây đã không ngớt lời khen ngợi cho khung cảnh khá nên thơ của ngày hội dành cho giới "tao nhân mặc khách" và những người yêu thơ.

Ông Trần Văn Tuấn, (giữa) Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM tại lễ khai mạc

Tuy nhiên không gian bình yên và trữ tình như vốn có của thế giới thơ ca đó đã không tồn tại được bao lâu. Bắt đầu từ buổi trưa, hệ thông âm thanh riêng của từng CLB tham gia bắt đầu hoạt động gây nên những tiếng ồn “khủng kiếp” trong không gian của hội thơ.Trong lúc gian thơ này mở nhạc trữ tình thì gian bên kia cũng tập văn nghệ, gian thơ khác cũng cố gắng cho “bằng anh bằng chị” nên rủ nhau cùng hát tập thể thật lớn thật to các bài dân ca quan họ, hò ví dặm… Trong không khí lễ hội, việc ồn ào sôi động là điều khó tránh khỏi nhưng điều đáng nói là các hệ thống âm thanh này đều mở lớn hết công suất, tiếng hát, tiếng đàn giữa các dòng nhạctừ hiện đại đến cổ truyền hòa trộn với nhau đã tạo nên mớ âm thanh vô cùng hỗn độn chát chúa và khó nghe.

Hát quan họ qua hệ thông âm thanh tại một gian thơ ở TP.HCM

Đến hội thơ để nghe… nhạc

Đỉnh điểm của tiếng ồn là vào buổi chiều trước giờ khai mạc. Các CLB thơ bắt đầu “chuyển thể” từ thơ ca sang hẳn phần ca nhạc hiện đại với những “bài ca đi cùng năm tháng” làm xôn xao cả một góc sân. Cá biệt có CLB tập trung toàn bộ thành viên ra đứng trước gian thơ của mình để hát nhạc… remix làm cho nhiều người phải vào quán cà phê bên cạnh đóng cửa kính lại để bớt… đau đầu.

Một nữ nhà thơ đang tìm cho mình những giây phút im lắng nhưng vẫn không tránh khỏi tiếng ồn quá lớn của hệ thống âm thanh phát ra từ các gian thơ của các CLB

Hoạt động Ngày thơ tại TP.HCM làm cho nhiều người yêu thơ đến đây không khỏi thắc mắc cho rằng họ đến đây để thưởng thức thơ hay là để nghe nhạc, nếu muốn nghe nhạc thì thành phố này không thiếu những tụ điểm khác.

Đồng ý rằng lễ hộitập trung đông người thì cũng có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khác cùng giao thoa, nhưng tại hội thơ này thơ thì ít mà nhạc thì quá nhiều. BTC cũng không có quy định nào để thơ được“ưu tiên”, chính vì thế mà âm nhạc được chọn thể hiện nhiều nhất khiến cho thơphải chịu lép vế.

Một tiết mục hát tập thể tại hội thơ

Một sốngười yêu thơ đặt ra câu hỏi: Tại sao BTC không tổ chức các hoạt động đúng bản chất của thơ ca xưa nay bằng các hình thức như: Thi đối đáp thơ, viết thư pháp bằng thơ, ra các vế đối, thi làm thơ nhanh, thi thơ lục bát, giao lưu giới thiệu tác giả tác phẩm…?Tại sao các CLB không sử dụng các loại nhạc cụ có âm thanh nhẹ nhàng êm ái như đàn guitare thùng, sáo, tiêu…?

Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng tất cả thành viên của BTC đều lắc đầu ngao ngán.

Vừa nổi trống khai hội đã… bế mạc

Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM bắt đầu diễn ra từ 6 giờ sáng 11.2 (nhằm ngày Rằm tháng Giêng), ngay từ sáng sớm các CLB thơ của TP đã nao nức tề tựu vềtại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT thành phố, số 81 Trần Quốc Thảo, để tổ chức các hoạt động riêng lẻ trong từng gian thơ của mình. Đầu giờ chiều các hoạt động mới chính thức được triển khai trên sân khấu chính với hai hoạt động của các CLB tham gia và buổi tọa đàm giao lưu giữa những người trẻ làm thơ, chia sẻ cảm xúc và khơi gợi ước mơ thi ca trong lòng mỗi cây bút trẻ của Ban Nhà văn Trẻ TP.HCM.

Từ sáng sớm, các nhà thơ đã nao nức về 81, Trần Quốc Thảo để dự ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15

Ngoài buổi tọa đàm của Ban Nhà văn Trẻ mang tính chuyên đề về thơ ca thì các CLB thơ ca từ các quận, huyện phần lớn mang đến với các tiết mục văn nghệ bằng các bài hát dân ca các miền qua cách thể hiện bằng hát tập thể. Có ít các tiết mục trình diễn qua cách ngâm thơ, thổi sáo, đọc thơ hoặc giới thiệu những tác phẩm thơ ca hay đến với công chúng.

Các thành viên của Ban Nhà văn Trẻ TP.HCM chụp hình lưu niệm với các em sinh viên tại "Sân thơ Trẻ"

Cho đến hơn 19 giờ 30 thì lễ khai mạc mới chính thức bắt đầu. Có thể nói đây là phần chất lượng nhất trong Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM. Các tiết mục diễn tấu thơ, ngâm thơ, kịch thơ được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú và đầy sắc màu kết hợp nhóm do chính các nhà thơ nổi tiếng, các gương mặt thơ ca trẻ của thành phố sáng tác và trình diễn đã tạo nên những cung bậc cảm xúc khó tả cho người thưởng thức.

Tuy nhiên, để các hoạt động diễn ra nguyên một ngày mới tổ chức lễ khai mạc là có phần bất hợp lý. Bởi qua một ngày, các hoạt động tại các sân thơ đã diễn ra quá nhiều nên đến tối lại người tham gia có cảm giác mệt mỏi, nhàm chán và không còn háo hức như buổi sáng mới bắt đầu nữa. Bên cạnh đó lễ khai mạc vừa diễn ra với hồi trống khai hội nhưng sau đó lập tức chuyển sang lễ bế mạc tổng kết, cùng lúc các hoạt động của ngày thơ được dừng lại đã tạo nên cảm giác rất hình thức. Trong khi đó các chương trình khai mạc được diễn ra trên sân khấu chính thì dưới sân các CLB thơ, các gian thơ đồng thời cùng bắt đầu “thu dọn chiến trường” để trả mặt bằng lại thì điều này có vẻ càng không hợp lý.

Nổi trống khai hội thơ tại TP.HCM vào tối 11.2

Kịch thơ của Ban Nhà văn Trẻ không như kỳ vọng

Trái với sự mong đợi của khán giả, phần kịch thơ Vòng tay mùa xuân được kỳ vọng là “điểm nhấn” trong ngày thơ của Ban Nhà văn Trẻ do các nhà thơ Minh Đan, Tiểu Quyên, Nguyễn Đăng Thanh và nhóm minh họađã không tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả như những gì được kỳ vọng trước đó.

Tiết mục kịch thơ được khán giản mong đợi nhất của Ban Nhà văn Trẻ TP.HCM

Phần kịch thơ của Ban Nhà văn Trẻ không thành công như mong muốn là do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan tạo nên. Trong đó đáng kể nhất là phần kết hợp không đồng bộ giữa âm thanh và ánh sáng và cách sử dụng âm nhạc kém hiệu quả, tiết tấu và nhịpkhông khợp với các tình huống trên sân khấu đã tạo nên sự gượng gạo mất tự nhiên của người diễn. Kỹ thuật viên điều khiển âm thanh cũng không chú trọng đến việc tạo hiệu ứng âm thanh từ chức năng echo -reverb (tiếng vọng) để tăng tính hấp dẫn khi các diễn viên đọc các lời thoại bằng thơ. Điều đó dẫn đến giọng đọc của các nhà thơ bị khô và đơn điệu.

Mặt khác, sự kết hợp chưa được nhịp nhàng ăn ý giữa các diễn viên qua phần lời thoại, cũng như cách di chuyển không hợp lý trên sân khấu, đã tạo nên nhiều khoảng trống, khoảng chết trên sân khấu gâycảm giác mất thời gian và nhàm chán cho người thưởng thức. Sự xuất hiện của người mang đạo cụ ra sân khấu trên nền ánh sáng trắng không ăn đến nội dung kịch bản(lẽ ra phải hạ đèn khi cho người mang đạo cụ để chuyển cảnh)làm cho người xem có cảm giác khó chịu.

Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực thì đây có thể nói là một nỗlực đáng ghi nhận của Ban Nhà văn Trẻ TP.HCM trong quá trình tạo nên sự khác biệt mới mẻ cá tính trẻ trung cho của hoạt động của Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM.

Nhờ vào sự nỗ lực của các nhà thơ trẻ, tiết mục kịch thơ "Vòng tay mùa xuân" mang chủ đề về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa cũng đã tạo nên những phút lắng đọng cho người xem

Ngày thơ Việt Nam hằng năm đã trở thành một sự kiện văn hóa mang tính truyền thống của giới “tao nhân mặc khách” và thu hút nhiều sự quan tâm của những người yêu thơ. Đây cũng là dịp tôn vinh, quảng bá những tác phẩm thơ ca đến với công chúng góp phần tạo nên những nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Chính vì những điều đó, những nhàtổ chức cần phải rút kinh nghiệm để có những sáng kiến mới về nội dung lẫn hình thức để trách những “hạt sạn” không đáng có sau mỗi lần tổ chức.

Tiểu Vũ

Tiểu Vũ