Ông Lê Hoàng Châu: Việc chấm dứt gói 30.000 tỉ đã dẫn đến tác động tiêu cực
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:00, 16/02/2017
Bác bỏ các kiến nghị của HoREA
Trong công văn trả lời Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về các kiến nghị liên quan, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khẳng định đối với các khoản giải ngân sau 31.12.2016 sẽ được giải ngân từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại và áp dụng lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Theo NHNN, Thông tư 25/2016/TT-NHNN quy định rõ hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; mua, thuê nhà ở thương mại; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa lại nhà ở của mình thì thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay, hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết 31.12.2016.
Tính đến ngày 31.12.2016, gói vay 30.000 tỉ đã giải ngân khoảng 29.680 tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, đạt 95% số tiền cam kết cho vay. Theo báo cáo của các ngân hàng, số tiền chưa giải ngân hết so với cam kết cho vay là do khách hàng không còn nhu cầu giải ngân toàn bộ số tiền trên hợp đồng tín dụng, đã bố trí được một phần từ nguồn khác hoặc dự án chậm tiến độ.
Còn các khoản vay giải ngân sau ngày 31.12.2016 sẽ được giải ngân từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại và áp dụng lãi suất theo lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Đối với đề nghị NHNN có cơ chế tính lãi suất cho vay hàng năm trong thời hạn khoảng 15-20 năm cho người mua nhà đầu tiên thuộc loại căn hộ vừa túi tiền, NHNN nói rằng các khoản vay thuộc các chương trình cho vayưu đãi lãi suất về nhà ở theo chỉ đạo củaChính phủ. Lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN. Đối với các khoản vay theo cơ chế thương mại thông thường, các ngân hàng thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa ngân hàng đó với khách hàng vay vốn.
Bảo vệ lợi ích người mua nhà, HoREA tiếp tục kiến nghị
Trước văn bản trả lời của NHNN, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA khẳng định vẫn tiếp tục kiến nghị NHNN cho phép các trường hợp cá nhân nhận nhà từ 1.1.2017 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, do số lượng này không nhiều mà nếu phải vay thương mại thì đối tượng này rất khó khăn.
Theo ông, người mua nhà vay gói 30.000 tỉ đồng trong năm 2016 không có lỗi khi chưa nhận được nhà trong năm 2016 mà lỗi là do dự án đã không được hoàn thành trong năm 2016. Còn việc dự án không hoàn thành đúng tiến độ trong cam kết tham gia chương trình có lỗi của các bộ, ngành khi không thống nhất cơ chế, chính sách ưu đãi cho người dân và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án tốt, đúng tiến độ đề ra.
Không những vậy, nếu người mua nhà ở xã hội phải vay tiền với lãi suất thương mại thì đây là điều rất bất cập bởi đối tượng này thường không có khả năng trả lãi suất 10%/năm.
Ngoài ra, Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 đã xác lập chính sách nhà ở xã hội nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được trên thực tế. Tháng 6.2016, Thủ tướng đã ký quyết định số 1013/QĐ-TTg quy định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm, áp dụng đến hết ngày 31.12.2016, nhưng trên thực tế thì vẫn không thực hiện được.
Năm 2017, theo quy định của NHNN, người vay mua nhà ở xã hội tiếp tục được hưởng mức lãi suất 5%/năm, thế nhưng chỉ mới áp dụng cho người mua nhà ở xã hội thuộc gói 30.000 tỉ đồng, chưa áp dụng được cho các trường hợp mới do chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách.
“Đây là vấn đề rất cấp bách cần được giải quyết sớm. Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ bố trí nguồn tái cấp vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho rằng việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này đã có tác động tiêu cực khi làm cho người có thu nhập thấp ở đô thị khó tiếp cận nhà ở và cũng tác động đến phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền.
Về đề nghị NHNN có cơ chế tính lãi suất cho vay hàng năm trong thời hạn khoảng 15-20 năm cho người mua nhà đầu tiên thuộc loại căn hộ vừa túi tiền, ông Châu nói HoREA cũng sẽ tiếp tục kiến nghị.
Phan Diệu