Ông Nguyễn Văn Đực: Bắt người nghèo đô thị mua căn hộ 45m2 sao họ với tới được?
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:15, 16/02/2017
Công ty Địa ốc Đất Lành vừa có văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM về việc được xây dựng căn hộ có giá từ 200-300 triệu đồng tại TP.HCM.
Theo đó, Công ty Địa ốc Đất Lànhnói rằng việc xây dựng căn hộ 20m² sàn bê tông và 10m² dự trù cho người dân tự làm bằng vật liệu lắp ghép nhẹ sau này là cách làm hay và sẽ giảm giá mua cho người dân.
Nếu Nhà nước đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội bằng vốn ngân sách, giá bán căn hộ chỉ tính trên giá xây dựng thì giá căn hộ dự án 5 tầng khoảng 5 triệu đồng/m². Với diện tích căn hộ từ 20-30m², giá căn hộ chỉ ở mức 100-150 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chung cư cao tầng phải sử dụng thang máy thì giá bán tăng lên khoảng 8 triệu đồng/m2, giá căn hộ chỉ ở mức 160-240 triệu đồng/căn.
Nếu doanh nghiệp đầu tư toàn bộ hạ tầng; giá căn hộ 5 tầng khoảng 8 triệu đồng/m², căn hộ 20-30m² có giá dao động khoảng 160-240 triệu đồng. Nếu chung cư cao tầng có thang máy thì giá sẽ khoảng 12 triệu đồng/m², giá căn hộ 20-30m² sẽ từ 240-360 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Đất Lành cũng kiến nghị TP.HCM cần chấp nhận căn hộ 20-30m² là căn hộ thương mại dành cho người thu nhập thấp và công nhân ở vùng ven và các khu công nghiệp. Chính quyền cần hỗ trợ bằng cách gia tăng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; giảm lãi vay ngân hàng, giảm thiểu các thủ tục đầu tư dự án nhà giá rẻ; đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội các khu dân cư; yêu cầu các công ty điện lực, cấp nước đầu tư hệ thống cấp điện, nước thay cho doanh nghiệp để giảm được giá thành nhà…
Liên quan đến kiến nghị này, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giời, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Đất Lành đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói Đất Lành đã từng nhiều lần kiến nghị Chính Phủ, Bộ Xây dựng cho phép xây dựng thí điểm căn hộ 20m2. Thế nhưng, Nhà nước không đồng ý và quy định doanh nghiệp làm nhà ở thương mại chỉ được xây dựng nhà ở trên 45m2; còn nhà ở xã hội trên 25m2.
“Tại sao có một sự khác biệt giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội như vậy? Nhà ở xã hội là nhà phục vụ cho những người công chức, ăn lương nhà nước. Còn nhà ở thương mại là bán cho nhiều người. Vậy còn người nghèo, những người công nhân, buôn bán không có lương nhà nước họ ở đâu? Chúng ta bắt những người nghèo ở đô thị sống trong căn hộ 45m2 thì làm sao họ với tới được.
Vì vậy, tôi kiến nghị phải cho người nghèo được ở trong những căn hộ 25m2 chứ không nhất thiết phải ép họ mua nhà 45m2. Làm như vậy là chúng ta đang bỏ rơi người nghèo vì nhà ở thương mại 45m2 thì họ không thể với tới, còn nhà ở xã hội 25m2 thì không được phép mua”, ông Nguyễn Văn Đực nói.
Theo ông Đực, trong những lần kiến nghị trước đây, Sở Xây dựng TP. HCM đã bác bỏ kiến nghị của ông vì cho rằng việc này chưa phù hợp với các quy định trong Luật Nhà ở và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.
Tuy nhiên,trong chuyến thị sát của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại khu nhà ở tồi tàn, chật hẹp của công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) hồi tháng 8.2016, ông Thăng đặt câu hỏi là tại sao Bình Dương làm được nhà ở 100 triệu đồng mà TP.HCM không làm được ?
Và trong đợt xuống Bình Dương học hỏi việc xây nhà ở 100 triệu đồng cho công nhân mới đây, ông Thăng cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người nghèo.
Do đó, ông Nguyễn Văn Đực nói rằng nên đặt mục tiêu TP.HCM có căn hộ giá 200-300triệu đồng vànên tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng những căn hộ kiểu này để người thu nhập thấp có thể mua nhà.
Phan Diệu