Vụ ngộ độc rượu ở Lai Châu: Các nạn nhân đã uống rượu chứa methanol vượt ngưỡng 5.000 lần
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:54, 16/02/2017
Ông Phong cho biết, với kết quả xét nghiệm do Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) gửi lên, có thể khẳng định nguyên nhân khiến 7 người tử vong và hơn 40 người phải nhập viện cấp cứu chính là từcác mẫu rượu mà những nạn nhân này sử dụng. Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công bố ngày 15.2, 3 mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol lần lượt là 970mg/lítcồn 100 độ, 556.000mg/lítcồn 100 độ và 475.000 mg/lítcồn 100 độ. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng, hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/llít cồn 100 độ.
Hiện nay, một số bệnh nhân bị suy thận nặng đột ngột đã phải chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu, một số bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Bác sĩĐỗ Văn Giang, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết: Bệnh viện đã huy động tối đa y bác sĩvà phương tiện máy móc ưu tiên để cứu chữa các nạn nhân. Tuy nhiên, điều kiện của tuyến huyện chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, trong khi số bệnh nhân nặng thời gian tới có thể tăng lên và phải điều chuyển lên tuyến trên. Hiệnngành y tế địa phương cũng đã báo cáo với Bộ Y tế để xin sự trợ giúp của Bộ, cũng như các bệnh viện trung ương.
Với sự việc xảy ra, ông Dương Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lào Cai cho hay: "Theo chỉ đạo, các lực lượng chức năng đã niêm phong toàn bộ số rượu đang cất giữ tại 7 hộ có bán rượu ở Sì Lờ Lầu và thu giữ toàn bộ số rượu còn lại trong gia đình ông Phu Vần Lèng (gần 30 lít) để phục vụ công tác điều tra. Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, ổn định tinh thần người dân, tuyên truyền đến người dân để hạn chế uống rượu không rõ nguồn gốc".
Trao đổi với chúng tôi về tác hại của các loại rượu khi có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép, bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: "Methanol là chất cực kỳ nguy hiểm. Chất này thường được dùng để làm dung môi, pha chế sơn, lau chùi vecni và những ứng dụng khác trong công nghiệp. Methanol tuyệt đối không được sử dụng làm rượu thực phẩm để uống vì nó cực kỳ nguy hiểm. Nếuuống phải rượu methanol thì nguy cơ ngộ độc, ảnh hướng xấu tới sức khỏe, thậm chí tử vong có thể dễ dàng xảy ra.
Khiuống rượu methanol, trước khi gây độc, thành phần methanol trong rượu sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành a xítformic. Nồng độ a xítformic trong máu cao sẽ gây ức chế dẫn tới thiếu oxy tế bào. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt làm mắt bị mù. Nặng hơn, methanol sẽ gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim, nguy hiểm tới tính mạng".
"Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống rượu nhưng có thể muộn hơn, tùythuộc vào số lượng rượu mà bệnh nhân uống. Giai đoạn đầu thường diễn ra trong vòng 30 phút sau khi bệnh nhân uống rượu nhưng không rõ ràng tình trạng bị ngộ độc nên thường nhầm lẫn thành say rượu và bỏ qua. Giai đoạn sau mới là giai đoạn nguy hiểm với những biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, có cảm giác bồn chồn khó chịu. Một số người thì hưng cảm quá đà, một số người khác lại ngủ lịm, nặng hơn là tình trạng hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não và dẫn tới tử vong" - bác sĩ Chính cảnh báo.
Cồn công nghiệp methanol là chất không được phép có trong cơ thể. Nếu uống đúng rượu gạo nấu truyền thống, hàm lượng methanol sinh ra trong quá trình nấu rượu nhưng không đáng kể. Những trường hợp methanol cao là rượu pha cồn công nghiệp. Các bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều bị rất nặng. Trong đó, lo sợ nhất là tình trạng tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng. Bệnh nhân đều được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng tình trạng nặng khiến bệnh nhân sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Có trường hợp qua khỏi nhưng di chứng cao. Hầu hết bệnh nhân nếu không tử vong thì phải chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ... |