7 dấu hiệu cảnh báo bệnh của cơ thể
Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:06, 16/02/2017
Cơ thể vẫn làm tốt việc cảnh báo chúng ta về tình trạng bệnh tật hay nhiễm trùng của cơ thể, thường là ho, nghẹt mũi hay phát ban. Bên cạnh đó còn có nhiều triệu chứng khác mà chúng ta có thể bỏ qua vì chúng không phổ biến lắm. Biết được những dấu hiệu này có thể giúp chúng ta phát hiện và điều trị trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng.
Dưới đây là một số cảnh báo của cơ thể cho thấy sức khỏe của bạn đang sa sút. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng mà nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
1. Đầu vú thay đổi
Điều quan trọng đối với cả nam và nữ là phải để mắt đến ngực để có thể nhận biết sớm bất kỳ sự thay đổi nào. Không chỉ phụ nữ, mà cả cánh mày râu cũng có thể bị ung thư vú và những bệnh liên quan đến ngực khác.
Chúng ta đều biết rằng chúng ta nên tự kiểm tra hàng tháng để phát hiện khối u ở ngực. Tuy nhiên, một dấu hiệu ung thư khác thường bị bỏ qua đó là sự thay đổi hình dáng của vú. Chẳng hạn như đầu vú có thể lõm vào trong hay lồi lên, hoặc màu da ở vùng ngực thay đổi.
Những thay đổi này không có nghĩa là bạn bị ung thư vú, nhưng bạn vẫn cần đến bác sĩ để kiểm tra. An toàn cho sức khỏe vẫn tốt hơn là hối tiếc vì phát hiện bệnh quá muộn.
2. Chân bị sưng
Mỗi khi bị đau chân, chúng ta thường nghĩ là bị căng cơ hay bị va đập, nhưng không nhiều người ý thức rằng phải đến bệnh viện khám ngay khi cảm giác đau kèm theo tình trạng chân bị sưng phồng.
Chân bị sưng phồng gây đau hay khó chịu có thể là do huyết khối tĩnh mạch sâu. Tình trạng máu đông cục ở chi dưới nếu không được điều trị có thể trở nên rất nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm chết người.
3. Lưỡi loang lổ
Nếu trên lưỡi có những mảng màu trắng loang lổ thì có thể là dấu hiệu của bệnh Celiac, một bệnh lý đường ruột gây ra bởi tình trạng nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Người bị bệnh Celiac không thể ăn các thực phẩm chứa gluten, vì khi ăn gluten, hệ đề kháng tạo kháng thể hủy diệt màng ruột non và cơ thể không còn hấp thụ chất dinh dưỡng. Khi cơ thể không hấp thụ chất dinh dưỡng, việc suy dinh dưỡng xảy ra dẫn đến thiếu máu, thiếu sinh tố cho não bộ, bắp thịt, rụng răng và loãng xương.
Nếu lưỡi bạn có những mảng trắng loang lổ, kèm với tình trạng tiêu chảy, ói mửa hay sụt cân, thì cần đến bệnh viện để khám và thực hiện xét nghiệm.
4. Đồng tử không đều
Nếu kích thước đồng tử mắt bạn không đều ngay từ khi bạn chào đời, thì không có gì phải bận tâm cả. Chỉ có vấn đề khi bạn nhận thấy rằng tròng đen mắt bạn thường xuyên thay đổi hay giãn nở.
Đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh, trong đó có những bệnh nặng như phình mạch, xuất huyết hay thậm chí là viêm màng não. Cần lưu ý đến những triệu chứng khác kèm theo, nếu bạn nhận thấy có sự thay đổi khi nhìn vào gương, cần đến bệnh viện ngay.
5. Ớn lạnh
Những cơn ớn lạnh thường xuất hiện khi thời tiết trở lạnh hay khi bạn bị sốt, nhưng nếu bạn nhận thấy bạn thường xuyên cảm thấy ớn lạnh không thể giải thích được cùng với không có dấu hiệu nào khác của cảm cúm, thì có thể bạn bị suy giáp.
Khi bị suy giáp, tế bào không đốt cháy đủ năng lượng, vì thế cơ thể sinh nhiệt ít hơn, dẫn đến những cơn ớn lạnh. Nếu như bạn không thể chịu đựng được thời tiết lạnh như những người chung quanh, và bạn cũng thường xuyên bị ớn lạnh, hãy đến gặp bác sĩ và trình bày những triệu chứng của mình để được chẩn đoán và điều trị sớm.
6. Thèm ăn đá lạnh
Thèm ăn đá lạnh là một triệu chứng lạ, nhưng có thể là dấu hiệu của tình trạng cơ thể thiếu sắt. Sự rối loạn này được gọi là hội chứng Pica, thường gặp ở trẻ em và bà bầu. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng là thèm ăn đá lạnh, mà có thể là một món gì đó không phải là thực phẩm, bao gồm tốc, giấy, vách thạch cao.
Người trưởng thành khi bị hội chứng này thường giấu kín vì họ biết sở thích ăn uống của mình kỳ lạ, và có hại, thế nhưng sự thèm ăn lại quá lớn khiến họ cứ tiếp tục ăn. Điều này càng khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng mà lại không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Tùy theo dạng hội chứng Pica mà có cách điều trị thích hợp. Nếu hội chứng pica là do thiếu hụt dinh dưỡng, thì có thể bổ sung qua dạng thuốc viên bổ sung.
7. Khát nước liên tục
Khát nước sau khi tập thể dục thể thao hay khi thời tiết nóng bức là chuyện bình thường, nhưng nếu cảm giác rất khát nước, hay khát nước liên tục ngay cả sau khi vừa uống nước xong thì đó có thể là dấu hiệu bạn bị tiểu đường. Tiểu đường là bệnh khiến cơ thể không sản sinh đủ lượng insulin cần thiết, dẫn đến tích tụ quá nhiều glucose. Khi nồng độ glucose trong nước tiểu cao thì càng cần thêm nước dẫn đến bệnh nhân phải tiểu liên tục. Do đó cơ thể phát tín hiệu khát nước để bù cho lượng nước thải ra.
Nếu cảm thấy khát nước liên tục kèm theo cảm giác mỏi mệt và mờ mắt, cần đến bệnh viện để khám và xét nghiệm.
HOÀNG ANH(theo Netdoctor)