Bloomberg: Cái nhún vai của Việt Nam khi TPP bị bãi bỏ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:01, 19/02/2017
Do nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam được xem là nước sẽ được hưởng lợi ích từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác trong thỏa thuận thương mại đa phương này. Tuy nhiên, khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút nước này ra khỏi TPP, Việt Nam lại đang chọn cách chuyển hướng sang châu Âu và các nước láng giềng ở châu Á.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho biết: “Sự kết thúc của thỏa thuận thương mại này sẽ thúc đẩy chúng tôi mở rộng và khai thác các thị trường khác. Chúng tôi hiện có rất nhiều thị trường tiềm năng để tăng cường xuất khẩu, chẳng hạn như thị trường các nước trong ASEAN và những nền kinh tế lớn mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do song phương, như Nhật Bản”.
Theo các con số thống kê, thì Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là với các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn như dệt may, da giày, điện tử và đồ gỗ. Và nhiều khả năng điều này sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã tăng gấp đôi tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, lên tới 38,5 tỉ USD trong năm 2016, và hiện Việt Nam cũng đang là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ hàng năm. Trong bối cảnh đó, TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lớn hơn nữa khi phần lớn các loại thuế đánh vào hàng hóa Việt Nam của Mỹ sẽ được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, một thực tế là từ trước khi Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP rất lâu, Việt Nam đã bắt đầu thiết lập hàng loạt các mối quan hệ kinh tế có ý nghĩa lâu dài khác. Eugenia Victorino, nhà kinh tế tại tập đoàn ngân hàng Australia & New Zealand có trụ sở ởSingapore, cho biết: “Việt Nam năng động hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực trong việc thiết lập các thỏa thuận thương mại mới, cho phép nước này đa dạng hóa các rủi ro đối với nền kinh tế của mình”.
Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có 9 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực, bao gồm với EU, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Bảy hiệp định thương mại tự do khác đang được đàm phán. Phó chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn, cho biết: “Chúng tôi không quá bận tâm về việc TPP có thể bị hủy bỏ. Chúng tôi sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU”.
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Học viện Ngoại giao Việt Nam, Trần Việt Thái, cho biết: “TPP không chỉ đơn thuần có tác dụng tiếp cận thị trường xuất khẩu. Nó còn là động lực quan trọng để thúc đẩy cải cách, từ pháp luật cho tới chống tham nhũng”. Ở thời điểm hiện tại, Australia được cho là có ý định hồi sinh TPP với một số điều chỉnh nhất định với Việt Nam và một số các quốc gia châu Á khác vốn là thành viên của thỏa thuận thương mại này trước đây.
Các hiệp định thương mại tự do đa dạng được xem là dấu hiệu Việt Nam sẽ giảm được sự ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) do nước này dẫn dắt để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ông Trần Việt Thái cho biết: “Việc Mỹ rút khỏi TPP đang tạo ra một khoảng trống trong trật tự thương mại toàn cầu, và Trung Quốc muốn thế chỗ vào đó. Nhưng để giữ vị trí lãnh đạo trong một trật tự thương mại, thì quốc gia đó phải chấp nhận nguyên tắc ‘cho và nhận’, và ở thời điểm hiện tại Trung Quốc lại không muốn ‘cho’.
Vị phó viện trưởng có lẽ muốn ám chỉ đến việc Trung Quốc đang tỏ ra miễn cưỡng trong việc mở cửa thị trường của mình. Ông kết luận: “Sẽ chẳng có quốc gia nào muốn ‘cho’ khi chủ nghĩa dân túy và xu hướng chống tự do thương mại đang gia tăng cả”.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)