Quy định xuất khẩu gạo 'bóp nghẹt' doanh nghiệp có thực lực
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:52, 22/02/2017
Bài toán cấp giấy phép
Hiện nay, một trong những bất cập nổi cộm tại Nghị định 109 là điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu phải có kho đủ khả năng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ...
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), những quy định trên dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn” ngành gạo, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân.
"Chúng ta chưa thể biết được các ông lớn này có gia tăng hiệu quả của ngành lúa gạo hay không vì tiêu chuẩn liên kết với nông dân sản xuất cũng chỉ là tiêu chuẩn ưu tiên và các doanh nghiệp này không nhất thiết phải tuân thủ", VEPR cho hay.
Ngoài ra, những quy định trên còn đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo.
VEPR ví dụ như Công ty Viễn Phú Việt Nam, với thương hiệu gạo đặc sản Hoa Sữa, không thể chủ động tiếp cận thị trường mà phải ủy thác qua các công ty lớn đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Với bao công sức xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp này liên tục phải ngồi trên đống lửa, không phải do bài toán đầu ra, cũng không phải bài toán giá, mà đó là bài toán “giấy phép”.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH ADC cho biết so với những năm trước, khi gạo xuất khẩu ồ ạt, không kiểm soát thì có thể Nghị định 109 còn hợp lý. Nhưng với bối cảnh hiện nay khi thị trường đòi hỏi gạo chất lượng để xây dựng thương hiệu trên thế giới thì Nghị định này đã lỗi thời và không còn thích nghi.
“Theo tôi,nên bãi bỏ điều kiện về kho bãi, kho chứa, vùng nguyên liệu. Thay vào đó, với những đơn hàng xuất khẩu thì nên tập trung đưa ra cơ chế đấu thầu, ai có đủ khả năng, có đủ thóc gạo thì mạnh dạn đấu thầu. Điều này tôi nghĩ hợp lý cho doanh nghiệp xuất khẩu”, đại diện ADC nói.
Trong khi đó, theo ý kiến của đại diện Công ty TNHH Lương thực – Thực phẩm Long An, quy định về vùng nguyên liệu của Nghị định 109 không nên được bãi bỏ, nhưng không được khống chế về diện tích để đảm bảo cho xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, khi bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo thì cơ quan quản lý phải có biện pháp điều hành, tránh xáo trộn thị trường. Bởi lẽ, doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt Nam không như các nước khác, phá giá tự do, bất chấp tất cả để cạnh tranh, gây thiệt hại cho giá trị xuất khẩu, rồi từ đó ép nông dân để lấy giá hời”, đại diện doanh nghiệp lương thực Long An cho biết.
Điều kiện về vùng nguyên liệu hiện nay đặt ra trong giai đoạn 2015-2020, thương nhân có thành tích xuất khẩu: dưới 50.000 tấn gạo/năm -quy mô vùng nguyên liệu năm đầu tiên 500ha, từ năm thứ hai, mỗi năm tăng 300ha; Từ 50.000 – 100.000 tấn gạo/năm sẽ có quy mô800ha năm đầu tiên, từ năm thứ hai, mỗi năm tăng 500ha; Từ 100.000-200.000 tấn gạo/năm có1.200ha năm đầu tiên, từ năm thứ hai, mỗi năm tăng 800ha; Trên 200.000 tấn gạo/năm có 2.000ha năm đầu tiên, từ năm thứ hai, mỗi năm tăng 1.500ha;
Bịt chính ngạch, thoáttiểu ngạch
VEPR cho rằng do chỉ có một số doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo, trong khi đó, lượng dư thừa cung trong nước quá lớn khiếnnhiều thương nhân nhỏ phải đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch để cân bằng lượng cung bị dư thừa.
Hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch này chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô xuất khẩu, nhưng bị đẩy ra ngoài hoạt động xuất khẩu chính thức, gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn cho thị trường gạo Việt Nam.
"Có thể nói, các điều kiện trong kinh doanh xuất khẩu gạo đã đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của các thương nhân nhỏ sang hoạt động trái phép. Vấn đề nằm ở chỗ, xét trên khía cạnh người dân trồng lúa, hoạt động xuất khẩu gạo này vẫn buộc phải diễn ra, nếu không muốn tạo thêm áp lực giảm giá gạo cho người nông dân", VEPR nhận định.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor, năm 2013, lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có thể lên đến khoảng 1,75 triệu tấn, trong khi tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 6,74 triệu tấn. Quy mô xuất khẩu tiểu ngạch bằng 25,2% quy mô xuất khẩu chính ngạch.
Cũng theo số liệu ước tính của đơn vị này, quy mô này năm 2014 tiếp tục giữ mức khá cao với 1,68 triệu tấn theo đường tiểu ngạch và 6,47 triệu tấn theo đường chính ngạch.
Theo VEPR, cácđiều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo của nước ta hiện nay đang vấp phải “một tình thế lưỡng nan”: thực hiện đúng, tức là kiểm soát, không cho xuất khẩu tiểu ngạch, thì khiến cung gạo trong nước bị dư thừa. Còn nếu không thì cho thấy khả năng thực thi chính sách yếu, có thể gây ra tình trạng tham nhũng trong các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.
Nhìn chung, Nghị định 109/2011/NĐ-CP được ban hành với mục đích giảm thiểu các doanh nghiệp không đủ năng lực xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, vấn đề cần thiết hiện nay là phải có một cơ chế đặc thùđể doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, được phép xuất khẩu các loại gạo có thương hiệu.
Tuyết Nhung