‘Đưa đơn thư phản ánh của người dân về một mối là quá khó’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:12, 01/03/2017
Sáng 1.3, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi kiểm tra công tác tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin qua đường dây nóng của Sở Tài nguyên - Môi trường TP (Sở TN-MT).
Tại buổi kiểm tra, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòngUBNDTP.HCM nói rằng tính đến nay, Sở Giáo dục - Đào tạo là đơn vị đứng đầu TP về lượng thông tin phản ánh qua đường dây nóng với hơn 430 thông tin. Đứng thứ 2 là Sở Giao thông vận tải với 250 thông tin phản ánh. Thứ 3 là Sở TN-MT với 177 thông tin được phản ánh.
Trong khi đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thạch – Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết sau hơn 1 năm tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng của TP, trong số 177 thông tin phản ánh, Sở đã giải quyết được 172 thông tin; đang xử lý 5 thông tin, chủ yếu là các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai.
Trong số 172 thông tin đã xử lý có 147 thông tin thuộc thẩm quyền của Sở và đã giải quyết được 142 thông tin. 23 thông tin chuyển đến UBND quận huyện, các phòng tài nguyên – môi trường quận huyện. 7 thông tin không thuộc thẩm quyền Sở giải quyết thì trả lại UBND TP.
Tại đường dây nóng của Sở TN-MT cũng đã tiếp nhận hơn 400 thông tin phản ánh, đã xử lý 388 thông tin,đang thụ lý 12 thông tin. Việc phản ánh chủ yếu là các vấn đề liên quan đến mùi hôi, tiếng ồn và kết quả giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân.
Ngoài ra, Sở TN-MT còn tiếp nhận 36 thông tin phản ánh đường dây nóng của Bộ TN-MT thông qua đường công văn, hiện đã giải quyết được 23 thông tin.
Ông Trần Văn Thạch cho rằng việc thực hiện tiếp nhận và phản hồi thông tin của tổ chức, cá nhân thông qua điện thoại đã có chỉ đạo sâu sát của Ban giám đốc Sở cũng như sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp giải quyết của lãnh đạo phòng, ban đơn vị.
“Tuy nhiên, việc phản ánh vẫn còn gặp khó khăn do nội dung phản ánh qua đường dây nóng thường không rõ, chuyên viên phải liên hệ lại để được cung cấp thông tin. Nội dung liên quan đến vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai không thể giải quyết theo thời hạn quy định của UBND TP là không quá 20 ngày được”, ông Thạch nhận định.
Không những vậy, theo ông Thạch, phần mềm đường dây nóng do UBND TP điều hành có chức năng chuyển thông tin đến Sở và cập nhật kết quả xử lý nhưng không có chức năng kiểm soát, theo dõi việc giải quyết thông tin tại Sở và không có chức năng thống kê, báo cáo. Do đó, việc theo dõi quá trình giải quyết nhằm đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị phải thao tác bằng tay.
Bên cạnh việc tiếp nhận, xử lý thông tin trên đường dây nóng của TP, Sở TN-MT còn phải tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng của Sở và Bộ TN-MT. Mặc dù vậy, đây là công việc mang tính chất kiêm nhiệm và chỉ có 1 chuyên viên làm đầu mối cùng 1 lãnh đạo văn phòng Sở.
Do đó, Phó giám đốc Sở TN-MT kiến nghị UBND TP được gia hạn thời gian giải quyết đối với các thông tin liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Phần mềm đường dây nóng cần bổ sung thêm chức năng phân loại để tiện thống kê, báo cáo và chức năng, theo dõi quản lý đối với các sở ngành, quận huyện. TP cũng cần nghiên cứu chế độ bồi dưỡng đối với chuyên viên trực tiếp theo dõi, tổng hợp, báo cáo công tác này.
Ngoài ra, lãnh đạo này cũng kiến nghị UBND TP cần đưa thông tin mà người dân phản ánh về chung đầu mối tại Sở Thông tin – Truyền thông để tiện xử lý vì có những đơn thư trùng nhau. Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan nói khó để thực hiện được.
“Đơn thư về một mối là quá khó đối với Việt Nam. Đơn thư gửi liên tục, hôm trước gửi, hôm sau gửi, một thư mà người dân gửi 5 đến7 cơ quan. Dân gửi khắp nơi, chỗ nào gửi được thì sẽ gửi, mà đã nhận thì phải xử lý. Nếu không xử lý được thì chuyển cho người khác xử lý. Cơ chế vận hành phải là một việc mà nhiều người tham gia vào. Ở UBND TP mới đây có phần mềm quản lý của 5 cơ quan để tiếp nhận đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân. Còn phản ánh qua đường dây nóng thì chúng ta vẫn phải làm”, ông Hoan khẳng định.
Phan Diệu