Cứu nam thanh niên không thể đi tiểu suốt 4 năm

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:17, 01/03/2017

Đang đi du lịch thì vô tình bị tai nạn khiến nam thanh niên bị gãy xương chậu, đặc biệt vỡ bàng quang, đứt niệu đạo, bệnh nhân không thể tiểu tự nhiên suốt một thời gian dài hơn 4 năm.

Theo người nhà của anh N.T.N. (32 tuổi, ngụ TP.HCM), cách đây khoảng 4 năm trong một lần đi du lịch, anh N. vô tình gặp nạn gây vỡ bàng quang, gãy xương chậu và đứt niệu đạo. Sau đó anh được chuyển đến một bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM. Tại đây các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tạo hình niệu đạo nhưng ca phẫu thuật thất bại.

Để khắc phục tình trạng hẹp niệu đạo, bác sĩ tiếp tục xẻ lạnh niệu đạo để giải phóng sẹo niệu đạo thêm 3 lần nữa nhưng tình trạng hẹp vẫn không được cải thiện.

“Trong suốt 4 năm ròng rã sau tai nạn, anh N. phải chịu bao đau đớn và mặc cảm khi phải đeo ống thông tiểu bên mình mọi lúc mọi nơi. Căn bệnh gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống, khiến N. rơi vào suy sụp, mất hết tự tin và phải nghỉ việc”, người nhà của anh N. chia sẻ.

Ngày 1.3, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay bệnh viện vừa phẫu thuật tạo hình hẹp niệu đạo thành công cho bệnh nhân N.T.N. “Hiện bệnh nhân đã đi tiểu lại bình thường sau hơn 4 năm khổ sở với dây ống quanh người và mùi hôi khai đầy ám ảnh”, TS.BS Đỗ Bá Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho hay.

Theo Bệnh viện Bình Dân, sau khi bệnh nhân N. được chuyển đến bệnh viện, các bác sĩ tiến hành chụp X-quang có bơm chất cản quang thì phát hiện bệnh nhân bị hẹp tắc niệu đạo sau, đoạn hẹp khoảng 2cm, có di lệch đường tiểu.

“Nguyên nhân của việc hẹp tắc niệu đạo này là do di chứng của ca phẫu thuật thất bại trước đó. Việc hẹp tắc niệu đạo này khiến bệnh nhân không những không thể tiểu tự nhiên mà còn khiến bệnh nhân không thể có con tự nhiên do tinh dịch không có đường ra”, một bác sĩ chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết.

Theo đánh giá của bác sĩ Hùng, tình trạng tắc nghẽn lâu dài do hẹp niệu đạo khiến bệnh nhân N. đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng đến chức năng bàng quang và chức năng thận. Việc đặt ống thông tiểu dễ dẫn đến nhiễm trùng và kích thích tạo sỏi vùng đặt ống, tạo sỏi đường tiết niệu, suy thận và hiếm muộn do tinh dịch không có đường thoát ra.

Muốn giải quyết tình trạng trên, theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân buộc phải thực hiện phẫu thuật tạo hình hẹp niệu đạo nhưng sẽ rất phức tạp. “Ê kíp phẫu thuật phải sử dụng phương pháp vi phẫu với sự trợ giúp của máy soi dây mềm với đường ống có kích thước nhỏ chừng 5,3mm luồn vào niệu đạo, uốn qua các góc cong tự nhiên của cơ thể để không gây tổn thương niệu đạo. Qua máy soi dây mềm, các phẫu thuật viên đã xác định được chính xác đường đi của niệu đạo nên đã khâu các mối nối chính xác”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Hồ Quang

Hồ Quang