Người mua nhà hoang mang khi PVC Land có thể phá sản
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:25, 03/03/2017
Những ngày qua, hàng trăm khách hàng đã mua căn hộ tại dự án Petrovietnam Landmark (quận 2, TP.HCM) do Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) làm chủ đầu tư đã đứng ngồi không yên khi TAND TP.HCM quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này theo đơn yêu cầu của bà Trần Thị Châu Giang, một khách hàng mua nhà ở Petrovietnam Landmark, cũng như nhận thấy PVC Land đã mất khả năng thanh toán. Đồng thời, tòa cũng ra thông báo yêu cầu chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản.
Trao đổi với một số khách hàng đã mua căn hộ tại dự án Petrovietnam Landmark, chúng tôi được biết trong số hơn 400 người đã mua căn hộ có những người nằm trong danh sách nhận nhà và được phía chủ đầu tư gọi lên trong tháng 1.2017, còn hơn 30 người vẫn chưa thấy gì. 30 khách hàng này là những người đã mua căn hộ từ Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG), nhà đầu tư thứ cấp của PVC Land. Giữa hai bên đã nảy sinh nhiều “rắc rối” với nhau nên đến nay chưa bên nào chịu trách nhiệm bàn giao nhà cho khách hàng.
Ông Nguyễn Bá H. là 1 trong số 30 khách hàng không được gọi tên để nhận nhà vào tháng 1 vừa qua dù đã thanh toán 90% với tổng số tiền gần 1,8 tỉ đồng. Ông H. cho biết gia đình rất hoang mang, không biết tài sản tích góp bao lâu nay để đóng vào đó sẽ như thế nào nếu chủ đầu tư phá sản.
Trong khi đó, nhiều người nằm trong danh sách được nhận nhà cũng rất lo lắng với thông tin mở thủ tục phá sản với PVC Land. Bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ, một khách hàng được nhận nhà, cho biết rất bức xúc khi nghe thông tin từ tòa án về việc một khách hàng đã yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư. Bởi hiện nay đã có hơn 200 khách hàng nhận nhà, trong đó nhiều người bỏ tiền làm nội thất và chờ ngày vào ở. Nếu chủ đầu tư bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến quá trình bàn giao nhà.
Luật sư Trần Quốc Bảo, Văn phòng Luật sư Thanh Phương (TP.HCM), cho rằng chủ nợ có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với con nợ khi xác minh được con nợ không có khả năng chi trả. Và nếu chủ đầu tư phá sản thật thì tất cả thủ tục được thực hiện theo quy định tại Luật Phá sản. Trong trường hợp việc phá sản xảy ra thì thứ tự phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho người lao động trong công ty, nghĩa vụ đối với nhà nước rồi đến chủ nợ và khách hàng.
Nhưng theo TS Lê Minh Hùng, Trưởng Bộ môn Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, trong trường hợp của PVC Land và dự án Petrovietnam Landmak, đối với những khách hàng đã nhận nhà theo đúng quy định thì nhà đó đã thuộc tài sản của họ. Vì vậy, không có chuyện mất tài sản. Còn những khách hàng nào chưa nhận nhà thì coi như đó là món nợ, nếu chủ đầu tư thực hiện thủ tục phá sản thì sẽ hưởng quyền lợi trả nợ theo quy định.
Thương lượng rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Chiều 2.3, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với ông Lương Đình Thành, Giám đốc PVC Land, nhưng ông này cho biết không thể trả lời sự việc vì còn đang trong quá trình thương lượng, xử lý. Theo thông tin mà chúng tôi có được, PVC Land đang thương lượng với khách hàng về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản…