Khó khăn của nhà máy 350 tỉ đồng biến rác thành phân ở Cà Mau
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:25, 06/03/2017
"Tấm lòng" của doanh nghiệp
2 tuần qua, dư luận ở Cà Mau xôn xao chuyện 2 chiếc xe Lexus do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quản lý gắn biển số 80A. Đó là xe sang Lexus GX 460 biển số xanh 80A-338.39 và 80A-369.69.
2 xe Lexus GX 460 này do Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, P.8, TP.Cà Mau) tặng. Giá mỗi chiếc trên 3,1 tỉ đồng.
Trước khi tặng xe Lexus, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý ký văn bản số 48, ngày 23.3.2016 có nội dung, doanh nghiệp đang đầu tư dự án điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển, Cà Mau), với vốn đầu tư lên đến 6.583 tỉ đồng.
Trong thời điểm này, tình hình El Nino biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở Cà Mau nên doanh nghiệp muốn có sự đóng góp cho tỉnh khi thấy lãnh đạo tỉnh này thiếu phương tiện để đi kiểm tra thực tế tại địa bàn xảy ra thiên tai.
Sau khi UBND tỉnh Cà Mau tiếp nhận 2 xe Lexus, “lòng tốt” của lãnh đạo Công ty Công Lý sẽ không bị dư luận chú ý nếu nhà máy rác của doanh nghiệp này có nhiều tài sản hư hỏng cần phải sửa chữa hoặc thay thế. Vì vậy, Công ty Công Lý đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cho doanh nghiệp tạm ứng ngân sách 30 tỉ đồng và sẽ trừ dần vào tiền xử lý rác hàng tháng.
Rác hữu cơ sản xuất tại nhà máy rác Cà Mau
Tiếp nhận đề nghị của Công ty Công Lý, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu vào cuối tháng 10.2016. Lúc này, Sở Tài chính Cà Mau cùng với lãnh đạo cấp phòng của các sở, ngành đi kiểm tra thực tế tại nhà máy rác.
Để đảm bảo tính khách quan, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục yêu cầu Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư Cà Mau thành lập đoàn phúc tra với sự tham gia của các phó giám đốc.
"Lần kiểm tra thứ 2 chúng tôi xác nhận nhà máy rác có nhiều thiết bị hư hỏng cần thay thế mà đơn hàng chỉ ở nước ngoài mới có. Sau khi xem xét đơn hàng và giá cả, chúng tôi lập báo cáo gửi cấp trên và UBND tỉnh Cà Mau quyết định", ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, nói.
Theo ông Khởi, nhà máy xử lý rác của Công ty Công Lý (đặt tại TP.Cà Mau) hoạt động nhiều năm, giá thành xử lý mỗi tấn rác là 460.000 đồng. Do đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, phân compost sản xuất từ quy trình xử lý rác chưa bán được nên Công ty Công Lý đề nghị UBND tỉnh trợ giá mỗi tấn rác 450.000 đồng.
"Ngân sách eo hẹp nên tỉnh chỉ hỗ trợ được 350.000 đồng/tấn rác nên doanh nghiệp luôn bù lỗ. Chính vì lỗ mà đầu năm 2016, Công ty Công Lý xin chuyển chủ đầu tư nhưng địa phương chưa tìm được đơn vị nào thay thế. Vì vậy, tỉnh đã động viên doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động để xử lý rác", ông Khởi chia sẻ.
Khó khăn không phải ai cũng thấy
Để mọi người có cái nhìn khách quan về vụ Công ty Công Lý đầu năm tặng xe sang, cuối năm ứng tiền tỷ, phóng viên đã đến nhà máy xử lý rác ở P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau để tìm hiểu thực hư. Nhà máy rác này xây trên diện tích 25 ha vào năm 2010, có tổng vốn đầu tư 350 tỉ đồng.
Nhà máy xây dựng theo hệ thống thiết bị công nghệ VIBIO Composters; là quy trình công nghệ áp dụng có khả năng xử lý từ 50-400 tấn rác thải hữu cơ sinh hoạt một ngày. Sự linh hoạt của thiết kế theo tiêu chuẩn International Composting Corporation (ICC) còn có thể mở rộng công suất hoạt động của hệ thống để xử lý bất kỳ khối lượng rác thải phát sinh nào.
Giá phân 1 triệu đồng/tấn nhưng Công ty Công Lý chưa có đầu ra với sản phẩm này
Hệ thống xử lý rác thải công nghệ ICC có thể thích ứng một cách dễ dàng với sự dao động của rác thải hàng ngày, do đó tất cả lượng rác thải nhận vào đều được xử lý trong thời gian ngắn nhất.
Điểm ưu việt của công nghệ ICC là có thể vận hành, chuyển giao nhiều giải pháp xử lý phối hợp để tái tạo các nguồn tài nguyên hữu cơ có trong chất thải rắn ở đô thị để sản xuất, tái tạo năng lượng sinh học và các loại sản phẩm hữu cơ sạch theo cách thức có lợi và bền vững đối với môi trường.
Như đã phân tích về sự bù lỗ và phân sản xuất ra không bán được khiến Công ty Công Lý bù lỗ mỗi năm từ 10-21,5 tỉ đồng. Bù lỗ nhiều năm, năm 2016 doanh nghiệp đặt vấn đề giao lại nhà máy rác cho chính quyền Cà Mau nhưng không có đơn vị nào đủ điều kiện tiếp nhận. Vậy là Công ty Công Lý tiếp tục gồng gánh chuyện xử lý rác hôi thối và chịu lỗ với Cà Mau.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Phan Minh Thúc, Quản đốc Nhà máy rác Cà Mau, cho biết đầu năm 2017, lượng rác từ các huyện vận chuyển về TP.Cà Mau tăng nhiều. Vì vậy, Công ty Công Lý phải xử lý mỗi ngày từ 150-170 tấn rác. Nhiều máy móc hoạt động trong môi trường rác thải nên nhanh chóng xuống cấp, cần phải sữa chữa, thay mới với chi phí khoảng 30 tỉ đồng.
Chiếc máy khổng lồ biến rác thành phân hữu cơ
Để minh chứng cho điều vừa nói, ông Thúc đưa phóng viên xem nhiều hợp đồng mua hàng hóa từ 2-14 tỉ đồng. Cộng tồng các đơn hàng đã vượt 25 tỉ đồng, đó là chưa kể đến chuyện doanh nghiệp đã mua những thiết bị nhỏ để sửa chữa.
"Thiết bị của nhà máy có loại quá khổ quá tải. Do là hàng đặcthù nên chúng tôi phải chuyển tiền trước qua nước ngoài thì đối tác mới sản xuất những thứ nhà máy cần", ông Thúc chia sẻ.
Cùng ông Thúc đi quanh nhà máy, phóng viên phát hiện 2 chiếc máy khổng lồ để biến rác thành phân. Hệ thống sàng rác và băng chuyền hư hỏng nặng cần phải có thiết bị mới để thay thế là rất cần thiết.
"2 năm trước chúng tôi đã thay hệ thống sàng rác trị giá trên 40 tỉ đồng. Hàng tháng, lương của 101 người làm việc tại nhà máy rác khoảng 800 triệu đồng mà chúng tôi càng hoạt động thì càng bù lỗ. Nói thật, ai muốn mượn nhà máy rác thì tôi cho mượn để vận hành thử 1 năm, cho thêm 5 tỉ đồng thử xem họ chạy có lãi không thì biết liền", Tổng giám đốc Tô Hoài Dân khẳng định.
Hàm Yên