Vấn đề an toàn thực phẩm nhiều nơi đã đến ngưỡng báo động đỏ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 23:10, 06/03/2017
Ngày 6.3tại TP.HCM, đoàn giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016 khu vực các tỉnh phía Nam.
Hệ thống chính sách về ATTP chưa sát thực tế
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia tham luận cho rằng việc kiểm soát ATTP hiện gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong công tác quản lý, đồng thời hệ thống chính sách và pháp luật về ATTP chưa sát với thực tế. Ngoài ra, việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đến các địa phương khi ở tuyến cơ sở chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói rằng vấn đề ATTP cần được nhìn nhận ở ba góc độ.
Thứ nhất là ATTP phải đảm bảo cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Thứ hai là bảo đảm cho sức khỏe, thể chất và tầm vóc người Việt Nam, hạn chế ngộ độc thực phẩm, tác hại của thực phẩm bẩn gây ung thư, các bệnh truyền qua thực phẩm. Thứ ba là bảo đảm cho một môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch.
Ông Dũng đánh giá trong những năm qua, công tác quản lý ATTP tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nơi đã tiến đến ngưỡng báo động đỏ.
Đồng quan điểm với ông Phan Xuân Dũng, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội, trưởng đoàn Giám sát về ATTP cũng nhận định vấn đề ATTP hiện nay đã đi đến giới hạn đỏ.
Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP diễn ra thường xuyên, kể cả nhân sự và kinh phí hoạt động tại một số địa phương được cung cấp đầy đủ, thế nhưngvẫn còn xảy ra tình trạng mất kiểm soát về ATTP. Trước tình trạng này, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị các địa phương, ban ngành cung cấp thông tin sát thực tế để đoàn giám sát tập hợp báo cáo Quốc hội nhằm đề ra các giải pháp trong thời gian tới.
Thông tin thêm tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết trong thời gian qua, đoàn giám sát về ATTP của Quốc hội đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh thành được chọn thực hiện trong chuyên đề này.
TP.HCM đã tịch thu hơn 23.000 tấn thực phẩm "bẩn"
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng trong giai đoạn 2011-2016, TP.HCM đã lập hơn 2.000 đoàn thanh tra, kiểm tra hơn 283.000 cơ sở thực phẩm. Kết quả, đoàn đã phát hiện hơn 73.000 cơ sở vi phạm. Trong số này, đã có hơn 33.000 cơ sở bị xử phạt với số tiền lên tới hơn 110 tỉ đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy hơn 23.000 tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Bà Thu cho rằng công tác thực thi chính sách pháp luật về ATTP trên địa bàn TP giai đoạn 2011-2016 đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý về ATTP vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Đơn cử như kinh phí đầu tư cho hoạt động đảm bảo ATTP còn thấp; nhân sự còn thiếu; điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất còn hạn chế…
Trên cơ sở vướng mắc trên, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Chính phủ đánh giá lại Luật ATTP sau 5 năm thực hiện để bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011-2016 cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra hơn 3 triệu lượt cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%.
Kết quả giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm của 6 viện chuyên ngành khu vực và các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trong thời gian này cũng cho thấy 63/1669 mẫu không đạt yêu cầu (tỉ lệ 3,8%). Nước uống đóng chai nhiễm coliforms là 6,7%, nhiễm E.Coli là 2,6%; tỉ lệ mẫu bún, phở phát hiện có hàn the từ 0,6-1,6%, có Formol từ 1,1-4,1%, có Tipnopal từ 4,9-13,7%.
Phan Diệu - Hồ Đông