Những bí mật 'động trời' về xưởng phim nổi tiếng Pixar
Văn hóa - Ngày đăng : 06:54, 12/03/2017
Không khuyến khích bình đẳng giới
“Nếu bạn là phụ nữ và mong muốn có một vị trí công việc trong ngành công nghiệp hoạt hình tại Hollywood, đừng chọn Pixar.” Đây có thể là câu bông đùa hơi nặng lời của cánh báo chí Mỹ, nhưng vẫn hoàn toàn dựa trên sự thật. Xưởng phim ‘đóng đô’ ở Emeryville luôn bị bủa vây bởi các điều tiếng liên quan đến việc thiếu tôn trọng nhân viên nữ.
Biên kịch Chapman
Biên kịch Brenda Chapman là một trường hợp mới đây. Bà từng đứng sau “bom tấn” ăn khách năm 2012 của Pixar, Brave (‘Công chúa tóc xù’). Chapman có công chấp bút cũng như dàn dựng tác phẩm, lấy ý tưởng từ chính mối quan hệ ngoài đời giữa bà và con gái. Tuy nhiên, đến nửa chặng đường thực hiện phim, Pixar đẩy nữ biên kịch “ra rìa” với nguyên do “bất đồng ý tưởng.” Một số nguồn tin thân cận lại tiết lộ, phía sản xuất đơn giản không muốn Chapman can thiệp quá nhiều vào sản phẩm hoàn chỉnh. Điều may mắn (hoặc mỉa mai), Pixar rốt cuộc vẫn đề tên bà trong danh sách biên kịch và đạo diễn của Brave.
“Ăn chặn” tiền lương nhân viên
Edwin Catmull
Một vụ lùm xùm từng kéo dài âm ỉ suốt nhiều năm xoay quanh xưởng hoạt hình danh tiếng, phải kể đến scandal chiếm dụng tiền lương nhân viên. Giám đốc cấp cao tại Pixar Studios - Edwin Catmull, chính là “tâm điểm” gây phẫn nộ. Cụ thể, dưới danh nghĩa Pixar, Catmull từng có những ‘hợp đồng ngầm’ nhằm kiểm soát lương thưởng của nhiều nhân viên ở hãng trong hơn 1 thập kỉ. Dạng giao kèo bất hợp pháp này được chấp nối với vài ‘ông lớn’ khác trong ngành hoạt hình tại Hollywood, như LucasFilm, DreamWorks, thậm chí cả Walt Disney Studios. Theo đó, vị giám đốc kì cựu đã cố tình kiềm hãm cơ hội công việc, lẫn “rút ruột” không ít khoảng tiền lương chính đáng cho các họa sĩ, nghệ sĩ làm việc ở Pixar. Scandal thật sự “bùng nổ” năm 2014, khi một số tài liệu cùng email cá nhân của Catmull được tiết lộ rộng rãi, chứng thực cho nhiều nghi ngờ từ trước đó.
Môi trường làm việc “địa ngục”
Siêu phẩm hoạt hình Toy Story 2 tiếp nối thành công vang dội của ‘thương hiệu’ Toy Story nổi tiếng. Phim từng giữ “ngôi đầu” phòng vé năm 1999, giúp Pixar mang về tổng lợi nhuận gần 500 triệu USD. Tuy nhiên, quá trình xây dựng tác phẩm lại đi liền với rất nhiều chỉ trích bốc lột nhân viên, kéo dài thời gian làm việc đến mức “nghẹt thở.” Trong số này, có một tai nạn hi hữu gây bức xúc dư luận.
Nhân viên xưởng vẽ thuộc dự án Toy Story 2 bấy giờ phải liên tục chịu sức ép công việc dồn dập. Vấn đề thay đổi kịch bản, chỉnh sửa các cảnh phim, đôi khi xảy ra nhanh đến ‘chóng mặt.’ Buổi sáng nọ, một nhân viên Pixar thay vì gửi cậu con trai vào nhà trẻ, lại lập tức chạy thẳng đến chỗ làm. Do tâm lý ám ảnh công việc, anh lao vào ghế hoàn tất bản vẽ, trong khi quên đi đứa con nhỏ còn đang ngồi ở ghế sau xe hơi. Rất may là người cha sớm phát hiện sự cố, kịp cứu sống bé trai. Cậu bé có thể thoát chết, nhưng ấn tượng về môi trường làm việc một thời được ví như “địa ngục” tại Pixar, hẳn sẽ khó xóa nhòa khỏi kí ức cha đứa trẻ.
‘Chất lượng’ hay ‘số lượng’?
Chất lượng nội dung, hay doanh thu thương mại? Đây là câu hỏi đặt nặng với không ít hãng sản xuất hoạt hình uy tín. Với Pixar, đôi khi việc được công chúng yêu thích nhờ một tác phẩm đáng nhớ, lại không hấp dẫn bằng nguồn lợi nhuận ‘tỉ đô’ thông qua kinh doanh thương mại (bày bán DVD, sản phẩm đồ chơi, quần áo “ăn theo” phim,..). Xưởng hoạt hình đình đám từng “đánh đổi” tác phẩm Cars, cho mục đích này.
Một gian hàng bày bán sản phẩm đồ chơi Cars 2 ở Nhật
Cars ra mắt khán giả nhí năm 2006, giữa lúc “cơn sốt” với series Toy Story còn chưa nguội. Dẫu bị phàn nàn về giá trị nội dung, phim đã đem về cho Disney và Pixar doanh thu thương mại ngoạn mục - hơn 10 tỉ USD. Thấy được tiềm năng, Pixar sớm triển khai Cars 2 không lâu sau đó. Phim tiếp tục nhận “gạch đá” từ báo chí và giới phê bình. Nhưng ở cửa hàng DVD, shop quần áo và đồ chơi trẻ em khắp nơi trên thế giới, hình ảnh các nhân vật xe hơi dễ thương của Cars vẫn khiến nhiều phụ huynh phải liên tục mở hầu bao.
Từ một công ty nhỏ bé tại California, Pixar Studios nay đã là một trong những ‘ông trùm’ của ngành công nghiệp hoạt hình Mỹ. Sau hơn 30 năm phát triển (hình thành từ năm 1986), đáng ngạc nhiên thay, xưởng sản xuất phim tên tuổi có “lý lịch” hoạt động gần như trong sạch. Dẫu vậy, tiếng tăm Pixar luôn công khai duy trì cũng đem đến mặt trái nhất định. Sự nỗ lực tạo dựng hình ảnh tốt đẹp khiến cho mỗi lùm xùm - chỉ trích về hãng, một khi “bùng nổ,” càng trở nên khó tiếp nhận hơn với công chúng.
Như Ý