Kong – Skull Island và cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam: Nếu lỡ tiếc cả đời…

Du lịch - Ngày đăng : 11:33, 14/03/2017

Quảng bá du lịch cũng giống như kinh doanh và tình yêu, nếu để lỡ cơ hội, chúng ta sẽ phải suốt đời nối tiếc.

Trước Kong - Skull Island, đạo diễn Régis Wargnier với phim Đông Dương (1992), đạo diễn Joe Wright Pan với Vùng đất nerverland(1915), đã chọnVịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), Động Phong Nha (Quảng Bình) của Việt Nam… làm bối cảnh.

Việc các đạo diễn danh tiếng khi cần những bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng, kỳ bí mà quyến rũ đã lựa chọn Việt Nam, cho thấy slogan “Vietnam – The Hidden Charm” (Vẻ đẹp tiềm ẩn) của Tổng cục Du lịch ngày nào phát huy tác dụng. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chia sẻ khi đến Việt Nam tìm bối cảnh cho Kong – Đảo Đầu Lâu, ông thấy phong cảnh các vùng ông khảo sát đẹp đến siêu thực, là vẻ đẹp mà khán giả đại chúng chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh trong các bộ phim về King Kong, và ông quyết định chọn nơi đây làm bối cảnh cho bộ phim của mình. Cũng đúng thôi, các địa điểm này đều là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, thậm chí là di sản kép, đạt từ hai đến ba tiêu chí của Unesco, làm gì mà chả thích.

Chúng ta đều biết, sau khi phim Đông Dương công chiếu, lượng khách du lịch Pháp và Châu Âu tới Việt Nam tăng vọt. Sức mạnh của nền điện ảnh và các ngôi sao showbiz thật vô cùng ghê gớm, nhất là trong thời đại Internet kết nối toàn cầu, khi mà con người hiện đại thích nghe bằng mắt hơn bằng tai, khi mà các bộ phim hành động đầy bạo lực, các câu chuyện sến sẩm và phù phiếm trên màn ảnh thuyết phục người xem hơn những tuyên truyền theo lối cũ. Và chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi khẩu vị của người đời để đạt mục đích, thay bằng khăng khăng làm theo ý mình.

Để phát triển du lịch, cần phải triển khai đồng bộ rất nhiều việc, nhưng việc làm đầu tiên là tuyên truyền quảng bá. Đành rằng “em đẹp em có quyền”, nhưng để có quyền, trước hết em phải cho thế giới biết em đẹp đã. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành “công nghiệp không khói”, đó là việc phát triển thương hiệu qua thuyết phục du khách bởi các dịch vụ của mình. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đó là quảng bá điểm đến của Quốc gia.

Thời gian qua, Tổng Cục Du lịch Việt Nam và các địa phương, các hãng lữ hành quốc tế của Việt Nam đã hiểu rõ điều này. Ngay tới một tỉnh nghèo, mới được tái lập như Ninh Bình, để quảng bá cho di sản Tràng An tại Châu Âu cũng dám chi 350.000 USD cho 30 giây trên CNN (tất nhiên là phát đi phát lại một số lần).

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch hỗ trợ tiền cho phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để giới thiệu vẻ đẹp vùng đất Phú Yên hoang sơ nhưng có tiềm năng thu hút du khách. Và gần đây, doanh nghiệp Xuân Trường, nhà đầu tư du lịch ở Ninh Bình đã hỗ trợ với tất cả khả năng những điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn làm phim Kong – Skull Island, chứng tỏ đến anh nông dẫn của đất Cố đô Hoa Lư cũng hiểu được sức mạnh của điện ảnh trong quảng bá du lịch.

Một điều lý thú nữa sau khi bộ phim công chiếu, tôi tin không chỉ các lữ khách ưa thích các chương trình du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm ao ước một lần tới “quê hương” của KONG, mà còn những cựu chiến binh Mỹ cũng sẽ trở lại nơi này - “chiến trường” của họ cách đây nửa thế kỷ. Không hiểu vô tình hay cố ý, đạo diễn đã làm sống lại hình ảnh những người quân nhân của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ ngày ấy, trẻ trung, ngang tàng, mạnh mẽ, đẹp trai, trang bị đầy đủ vũ khí hủy diệt, đã thẳng tay tàn phá thiên nhiên tươi đẹp, nơi sinh sống của KONG, và tìm mọi cách giết KONG.

Điều họ không lường là KONG, một sinh vật hiền lành, yêu mến hòa bình nhưng lại là thiên địch của những loài ngoại xâm hùng mạnh, sẵn sàng chết để bảo vệ người dân và quê hương mình. Sự mạnh mẽ, vị tha của KONG, cuối cùng cũng làm thay đổi cách nhìn của những quân nhân Mỹ.

Nhưng Kong – Skull Island cũng như tất cả những phim bom tấn khác của Hollywood, sau khi nhét đầy túi những khoảng tiền khổng lồ nhờ cơn địa chấn, sẽ nhanh chóng được xếp vào kho. Vì vậy, làm cho hàng triệu triệu khán giả của màn ảnh đang ngỡ ngàng về vẻ đẹp hoang sơ của một vùng đất đẹp và bí ẩn mong muốn xếp ba lô lên đường khám phá, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp lữ hành có nghề.

Bộ văn hóa Thể thao Du lịch đã không bỏ qua cơ hội này. Một buổi ra mắt, phối hợp với CGV Cinemas, được tổ chức tại tầng 6 tòa nhà Vincom center Hà Nội, mời quan khách tới “tham dự buổi chiếu chiêu đãi đặc biệt bộ phim KONG - đảo đầu lâu, siêu phẩm Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam”.

Sài Gòn còn phấn khích hơn, trong buổi lễ ra mắt của KONG, lửa đã bùng cháy, dữ dội như trong siêu phẩm. Và ngày 10/3, ngay sau khi KONG ra mắt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ký quyết định bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm đại sứ du lịch.

Sau những lần nhắm vào các cô gái đẹp chân dài khiến dư luận xì xào, việc lựa chọn lần này hẳn là xuất sắc. Chắc chắn ông đạo diễn râu dài Hollywood đủ tiêu chí làm đại sứ du lịch cho Việt Nam - một nước đã chuyển Slogan từ “vẻ đẹp tiềm ẩn” sang Vẻ đẹp bất tận. Chắc chắn ông “có tình cảm và gắn bó với Việt Nam, lý lịch thân nhân tốt, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và những quy định của nước mà mình mang quốc tịch. Có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh. Có khả năng trình bày, tuyên truyền trước công chúng nước ngoài…”

Nghe nói ông đạo diễn Tây này đã vui vẻ nhận lời, mà lại chấp nhận làm miễn phí. Mong rằng ông có đủ sức khỏe và sẵn sàng nhận nhiệm vụ, làm tốt công việc vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam.

Quảng bá du lịch cũng giống như kinh doanh và tình yêu, nếu để lỡ cơ hội, chúng ta sẽ phải suốt đời nối tiếc. Hy vọng các cơ quan quản lý du lịch, các địa phương KONG đã ghé chân và các doanh nghiệp du lịch trong cả nước tận dụng tốt hơn nữa những gì Kong Skull Iland “của chúng ta” mang lại.

Theo Bình Ca/Vietnamnet

Vietnamnet