TP.HCM: Cưỡng chế, phá dỡ khẩn cấp chung cư cũ
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 13:17, 15/03/2017
Giao quyền cho quận huyện xây mới chung cư cũ
UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về ủy quyền, phân công cho UBND quận huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975 trên địa bàn.
Cụ thể, UBND cấp quận huyện được công nhận chủ đầu tư, phê duyệt phương án tạm cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá trị căn hộ cũ và giá trị căn hộ mới trong trường hợp Nhà nước tổ chức thực hiện đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm đã hết thời hạn theo quy định nhưng các chủ sở hữu nhà chung cư chưa chọn được nhà đầu tư.
UBND quận huyện còn được ủyquyền phê duyệt đề cương, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, quyết toán về công tác kiểm định và sửa chữa chung cư cũ. Đồng thời, các cơ quan này còn được công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ.
Đặc biệt, quận huyện cũng được ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp nhà chung cư cũ; phê duyệt phương án phá dỡ, phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp.
Đối với trường hợp thực hiện đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ theo hình thức đối tác công tư (PPP), UBND quận huyện sẽ phê duyệt hồ sơ và đàm phán hợp đồng BT và ký thỏa thuận đầu tư với nhà đầu tư.
Ngoài ra, UBND huyện quận còn được ủyquyền để thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án, thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, cấp giấy phép xây dựng công trình.
Trước đó, để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng được ủy quyền cho UBND các quận huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND TP như phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư…
Tốc độ cải tạo chung cư cũ còn quá chậm
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy trên địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ với tổng số khoảng 50.000 căn hộ được xây từ trước 1975, phân bổ ở 15 quận. Hiện quận 5 là quận có nhiều chung cư cũ nhất với 203 chung cư.
Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.
Trong năm 2016, TP.HCM đã cho tháo dỡ lô D chung cư Cô Giang (quận 1), triển khai dự án xây dựng chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 1), chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình).
Năm 2017, TP.HCM cũng phấn đấu cải tạo, sửa chữa 10 chung cư (16 lô) với hơn 116.000m2 sàn xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư (7 lô), gần 28.000m2 sàn xây dựng với 580 căn còn lại phải di dời; tháo dỡ 5 chung cư (8 lô) bị hư hỏng nặng, nguy hiểm. Thành phố cũng sẽ khởi công 6 chung cư tại vị trí các chung cư cũ đã tháo dỡ với quy mô 1.785 căn hộ.
Theo kế hoạch mà Sở Xây dựng đề ra, đến năm 2020, TP.HCM sẽ hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong 10 năm qua, TP.HCM chỉ mới tháo gỡ để xây mới 32 chung cư cũ hư hỏng, với khoảng 4.000 hộ gia đình. Như vậy, tốc độ cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cuộc sống của người dân cư ngụ trong chung cư cũcũng như chương trình chỉnh trang đô thị.
Không thu hút nhà đầu tư
Công tác kêu gọi xây dựng các chung cư cũ xuống cấp hiện đang gặp nhiều khó khăn do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hồ sơ pháp luật và các căn hộ chung cư của người dân đều nhỏ nên khó khăn cho công tác bố trí tái định cư của nhà đầu tư. Ngoài ra, chính sách cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ cũng chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Đưa ra giải pháp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hộiBất động sản TP.HCM cho rằng cần phải có biện pháp hỗ trợ trong việc cho vay vốn và tái định cư sau khi chung cư cũ được xây dựng mới. Các chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp lệ tại chung cư cũ cũng cần được giải quyết bố trí tái định cư ở căn hộ mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích căn hộ cũ không phải trả thêm chi phí.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí căn hộ mới mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích, phải được vay vốn tổ chức tín dụng, tổ chứctài chínhđang hoạt động tại Việt Nam, vay vốn từ quỹ phát triển nhà ở thành phố theo quy định của pháp luật để thanh toán khoản tiền chênh lệch phải nộp.
“Có như vậy người dân mới đủ tự tin để bàn giao nhà cho doanh nghiệp cải tạo, sửa chữa”, ông Châu nhận định.
Phan Diệu