Sự thật tàn ác đằng sau chiếc túi hiệu tiền tỷ của Ngọc Trinh và các người đẹp

Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 12:48, 16/03/2017

Không thể phủ nhận rằng những chiếc túi hàng hiệu luôn có sức hút mãnh liệt với người nổi tiếng và giới thượng lưu. Mới đây, hình ảnh 4 người đẹp Việt xách trên tay 4 chiếc túi Hermes Himalayan Crocodile Birkin xa xỉ gây nhiều tranh cãi.

Những chiếc túi thuộc hàng xa xỉ này được làm từ da các sấu đắt tiền. Và không thể phủ nhận, những chiếc túi hàng hiệu đã góp phần tạo nên phong cách riêng biệt và đẳng cấp cho chủ nhân, nhưng ít ai biết được rằng, quá trình làm ra chúng lại trái ngược hẳn hoàn toàn với vẻ ngoài sang trọng ấy.

Chất liệu da chính là một trong những điểm quan trọng tạo nên giá trị và đẳng cấp của một chiếc túi. Ngoài những chất liệu thường dùng như da bê, trăn, dê thì đà điểu châu Phi và da cá sấu nước mặn, đặc biệt là cá sấu bạch tạng là những chất liệu đắt đỏ nhất hiện nay.

Da cá sấu bạch tạng là chất liệu làm túi Hermes Himalayan Crocodile Birkin

Vào năm 2015, Mimi Bekhechi - Giám đốc chương trình quốc tế của Tổ chức Bảo vệ động vật PETA đã phát biểu rằng: "Mỗi chiếc túi Birkin hay dây đồng hồ Hermes đều tương đương với một mạng sống, mạng sống của những con vật phải chịu một cuộc sống khổ sở và một cái chết khủng khiếp. Người ta bỏ ra hàng ngàn đô la cho những món đồ như vậy nhưng chính những con cá sấu tại những trang trại này lại đang phải trả giá" .

Tổ chức Bảo vệ Động vật PETA cũng đã tung ra video gây chấn động có tên “Giữa bầy quái vật” lên án cách giết hại cá sấu một cách “vô nhân đạo” để khai thác da cá sấu.
Toàn bộ cảnh quay trong “Giữa bầy quái vật” được ghi lại bằng một camera giấu kín trong nhiều phân xưởng lấy da tại Zimbabwe và Texas, khiến không ít khán giả cảm thấy sốc và phẫn nộ khi tận mắt chứng kiến quy trình lột da cá sấu vô cùng tàn bạo này.

Để làm ra những chiếc túi Birkin thời thượng có giá khoảng 53.000USD là người ta phải sử dụng da của 3 con cá sấu.

Mặc dù ngoài tự nhiên, cá sấu có tuổi thọ cao hơn con người rất nhiều, nhưng loài động vật này gần như không có cơ hội sống khi tròn 3 năm tuổi, bởi đó là thời điểm đẹp và tốt nhất của da trong việc làm ra những chiếc túi hàng hiệu.

Để lột da một con cá sấu, người ta phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau.

Trang trại nuôi cá sấu Padenga tại Zimbabwe

Đầu tiên, cá sấu sẽ bị bắn súng gây mê vào đầu. Sau đó, công nhân dùng dao cứa toang vùng cổ con vật khiến máu chảy lênh láng rồi nhanh chóng tiến hành lột da. Trong trường hợp súng gây mê không hoạt động, công nhân sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để khống chế con vật bằng cách chọc một thanh sắt dài dọc phần xương sống để gây tổn thương não.Sau đó, họ dùng súng gây mê bắn vào đầu cá sấu rồi bắt đầu quá trình lột da.

Bắc đầu quá trình giết hại con vật để lấy da
Sau đó chúng được treo ngược lên để dốc máu
Sau khi lấy bộ da có giá trị xong, xác con vật sẽ được bỏ vào những thùng đá lạnh

Sau khi bị lấy đi những bộ da giá trị, những con cá sấu bị quẳng vào thùng nước đá. Trong quá trình lấy da, có con đã chết nhưng có con vẫn còn thoi thóp sống, và chúng sẽ phải trải qua cơn đau đớn tột cùng.

Đáng sợ hơn nữa, thịt của những chú cá sấu bị lột da được sử dụng làm thức ăn cho hàng nghìn con cá sấu vẫn đang nằm dưới hồ chờ đủ tiêu chuẩn để "xẻo thịt lột da".



Những tấm da sau khi lột sẽ được bảo quản trong phòng lạnh trước khi được chuyển đến những cơ sở xử lý da của các hãng sản xuất túi, dây đồng hồ tại Pháp hoặc Mỹ.

Và người ta không thể nào biết chắc rằng có bao nhiêu con cá sấu đã bị lột da để làm nên những chiếc túi xa xỉ được hàng triệu tín đồ thời trang thèm muốn.

Nhật Hạ (Tổng hợp)

thyhang