'Kỹ sư chân đất' đam mê sáng chế máy nông nghiệp

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:30, 17/03/2017

Chỉ học lớp “bình dân học vụ” từ thời kháng chiến chống Pháp để xóa mù chữ, nhưng ông Đinh Công Viên ở xã Khả Phong (Kim Bảng, Hà Nam) tự nghiên cứu, sáng chế ra hàng loạt máy móc phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt là chiếc máy “5 trong 1” giúp bóc tách 5 loại nông sản.
          

Những vui buồn chuyện trở thành “kỹ sư chân đất

Đã ở tuổi 89, dáng người lại nhỏ bé, gầy gò nhưng giọng nói của ông Viên vẫn sang sảng và bước đi còn rất nhanh nhẹn. Sinh năm 1929, suốt quãng đời trai trẻ ông làm dân công phục vụ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Đến năm 1985, ông Viên trở về quê Khả Phong gắn bó với ruộng lúa, nương ngô.

Thấy lao động nông nghiệp nhiều vất vả, tốn thời gian mà hiệu quả kinh tế lại không cao, đặc biệt là quá trình bóc vỏ và tách hạt ngô tốn nhiều công, ông Viên trăn trở phải chế tạo ra được chiếc máy tách hạt ngô, trước tiên cho vợ con mình đỡ khổ, sau giúp đỡ dân làng tiết kiệm công sức. Năm 1997, ông bắt tay vào thực hiện ý tưởng.

Nhớ lại giai đoạn chế tạo máy, ông cho biết từ khi có suy nghĩ làm chiếc máy tách ngô, cho đến khi thành công, không đêm nào ông ngủ yên giấc, bởi vì việc chế tạo chiếc máy tách hạt ngô không đơn giản như ông nghĩ. Rất nhiều lần ông lắp ráp rồi lại phải tháo ra vì lỗi. Ngoài ra, ông cũng chịu nhiều áp lực từ gia đình, hàng xóm, họ chê trách ông không có khả năng mà học đòi thể hiện.

“Tôi buồn nhưng một khi đã quyết tâm thì nhất định làm đến cùng, bỏ ngoài tai những lời bàn ra tán vào. Tôi nghĩ càng như thế mình cần phải làm cho bằng được”, ông Viên chia sẻ.

Sau 2 năm mày mò, đến cuối năm 1999 ý tưởng của ông thành công. Chiếc máy ra đời sau nhiều ngày tháng hì hụi trắng đêm. Nhìn hàng nghìn bắp ngô chui qua máy tách hạt ra đằng hạt, lõi ra đằng lõi mà ông mừng đến rơi nước mắt. Ông nhảy lên sung sướng như đứa trẻ đến nỗi con cháu phải bụm miệng cười. Từ đó, người ta gọi ông với cái tên thân mật là “kỹ sư chân đất.

Tiếng lành đồn xa, máy tách ngô đầu tiên của ông Viên nhanh chóng được nhiều người biết đến. Công suất lúc đầu của máy tách được 3 tạ ngô trong vòng 30 phút, tức là nhanh gấp hàng trăm lần so với cách làm thủ công. Nhờ máy này ông Viên trở thành thợ tách ngô thuê nổi tiếng ở Hà Nam. Sau số lượng ngô quá lớn, chỉ máy tách ngô của ông không đáp ứng hết nhu cầu của nông nhân, nên ông Viên bắt tay vào sản xuất máy để bán.

“Tôi vui lắm khi tạo được chiếc máy giảm sức lao động này. Rồi không chỉ dân trong tỉnh mà nông dân các huyện, các tỉnh lân cận như Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa… biết và đến đặt hàng chiếc máy”, ông Viên vui vẻ cho biết.

Chiếc máy nông nghiệp đa năng “5 trong 1”

Khi đã có được thành công ban đầu, được mọi người ghi nhận, ông Viên như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều chức năng trên cùng một máy tách ngô.

Sau mấy năm tìm tòi, đến năm 2004, ông Viên chế tạo thành công máy với ba chức năng: tách ngô, nhặt lạc và vò đậu tương. Với 5 tạ ngô (hay đậu tương, lạc) chiếc máy bóc tách hạt này chỉ làm trong 1 giờ đồng hồ. Chưa dừng lại ở đó, năm 2005 ông Viên đã chế thêm chức năng vò lúa. Đến năm 2010 thì chiếc máy tách ngô ban đầu của ông Viên đã có thể làm được 5 nhiệm vụ cùng lúc. Chức năng thứ năm là thái trộn thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm.

Chiếc máy nông nghiệp do ông Viên chế tạo

Với chiếc máy đa năng này, người nông dân tiết kiệm được rất nhiều công sức, có thời gian làm thêm được nhiều việc khác nên được mọi người ưa dùng. Ông Viên cho biết, rất nhiều người dân vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang biết và tìm đến tận nhà ông để đặt mua.

Anh Nguyễn Phong Văn, một nông dân gần nhà cho biết: “Tôi thường trồng từ 3 đến 4 sào ngô. Trước kia, nếu 3 người bóc thì 1 tuần mới xong. Nhưng từ khi có máy đa năng của ông Viên chế tạo, chỉ cần 20 đến 30 phút là xong. Nhờ đó tôi có thời gian làm thêm được việc khác, kiếm được thêm chút tiền”.

Ông Viên chia sẻ, cả cuộc đời ông, lúc trẻ thì phục vụ Tổ quốc kháng chiến, khi đất nước hòa bình chỉ suy nghĩ làm sao tạo ra thật nhiều máy móc để phục vụ nông nghiệp, giúp cho nông dân bớt vất vả. Ông sản xuất máy đa năng không phải để kiếm tiền, vì vậy làm nghề tách ngô thuê nhiều năm và bán hàng trăm chiếc máy nhưng ông vẫn không đủ tiền để mở xưởng cơ khí. Nơi ông Viên chế tạo những chiếc máy kỳ diệu cho nông dân vẫn là khoảnh sân trước nhà.

Hiện nay ông Viên đang thử nghiệm máy cấy mạ. Khác hẳn với sản phẩm trên thị trường, máy của ông có công suất gấp hàng trăm lần so với cấy mạ thủ công. Để tiện lợi cho người sử dụng, ông Viên đã thiết kế phần điện và xăng để nông dân có thể sử dụng cả khi ở ngoài đồng hoặc trong vườn nhà. Với sự đam mê, nhiệt huyết sáng tạo, sẽ không còn xa nữa chiếc máy cấy của ông sẽ thành công và phổ biến cho nông dân khắp nơi.

Ông Viên được nhận rất nhiều bằng khen nhờ những sáng chế của mình

Dù nay đã ở tuổi 89, nhưng hàng ngày ông Viên vẫn đạp xe từ 5 đến 10 cây số đi tách ngô thuê cho thôn trên, xã dưới. Hàng đêm ông vẫn miệt mài đục đẽo, hàn tiện nhôm sắt thiết kế bộ phận của máy. “Máy công suất nhỏ thì làm trong mười ngày, nửa tháng, máy công suất lớn thì làm một tháng , có khi đến mấy tháng”, ông Viên cho biết.

Ngoài chiếc máy “5 trong 1” thần kỳ, ông còn chế tạo thêm 7 loại máy để phục vụ cho nông dân như máy băm, máy thái thức ăn cho người, cho gia súc, máy nghiền bột, máy vừa gieo hạt đậu tương lại vừa có chức năng cày bừa, vun xới. Đặc biệt, mức giá chỉ từ 500 nghìn đến 3 triệu đồng mỗi chiếc máy, phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ nông dân.

“Đến giờ, tôi vẫn chưa bằng lòng với thành quả mà mình làm được. Nếu còn sức khỏe tôi lại tiếp tục nghiên cứu”, ông Viên cho biết.

Chiếc máy tách ngô của ông Viên đã được Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam trao tặng Cúp Vàng sáng tạo và nhiều bằng khen. Năm 2011, ông Viên vinh dự nhận giải ba cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ V; Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.

Đặc biệt, ngày 9.1.2016, ông Viên vinh dự nhận giải thưởng KOVA lần thứ 13 tại TP.HCM do Tập đoàn Sơn KOVA trao tặng – giải thưởng hướng tới đến lựa chọn và biểu dương nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình trong nghiên cứu khoa học, có lối sống đẹp. Ông cũng nhận được nhiều bằng khen khác của Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng.

Thục Linh

   

Thục Linh