Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định về TPP

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:41, 16/03/2017

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về TPP. Do vậy, các nước ASEAN cùng thống nhất dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới đây là cơ hội để các nước tham gia TPP đánh giá tình hình kỹ hơn và đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới.

4 nước ASEAN cùng nhau thống nhất TPP

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 23, Hội nghị Tham vấn giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao ủy thương mại EU lần thứ 15 tại Manila, Philippines, ngày 9-10.3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định hội nghị lần này là dịp tốt để 4 nước ASEAN tham gia TPP cùng nhau thống nhất quan điểm trong bối cảnh Mỹcó thay đổi chính sách và rút khỏi TPP.

"Việt Nam đã trao đổi song phương với các nước ASEAN về TPP. Chúng tôi rất mừng là cả 4 nước ASEAN đều có những nhận định và đánh giá tương đối giống nhau. Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về TPP. Do vậy, các nước ASEAN cùng thống nhất dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới đây là cơ hội để các nước TPP có đánh giá tình hình kỹ hơn và cùng nhau đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới", Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian gần đây, thương mại thế giới phát triển chậm lại và không còn thể hiện được vai trò là đầu tàu kéo nền kinh tế toàn cầu phát triển nữa. Một số nền kinh tế lớn cũng có dấu hiệu e ngại các tác động của tiến trình toàn cầu hóa đến công ăn việc làm trong nước. Đây là nguyên nhân gây nên tâm lý chống toàn cầu hóa ở một số nơi.

Tuy nhiên, trong bình diện ASEAN thì xu hướng hợp tác, tăng cường hội nhập vẫn là xu thế chung. Đặc biệt, 4 nước trước đây có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN là Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cao không những so với các nước phát triển hơn trong ASEAN mà cả so với các nước khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Đây là điều kiện tốt để tất cả các nước ASEAN vươn lên, tăng cường hợp tác, thể hiện rõ hơn vị thế của khu vực trong bản đồ kinh tế thế giới, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của từng nước thành viên.

Chính vì vậy, dường như xu hướng bảo hộ ở một số nơi hiện nay càng làm các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại hơn, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài. Đặc biệt, năm nay ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập.

Riêng về lĩnh vực kinh tế thì quá trình hội nhập, ASEAN đã có những bước tiến dài và không thể đảo ngược, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác mạnh hơn trong các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh – quốc phòng.

Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hội nghị

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hội nghị lần này Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thứ nhất là về hợp tác ASEAN, nước ta đã có một số sáng kiến cụ thể thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay và được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, với tư cách là nước chủ nhà APEC, Việt Nam đã cùng Philippines thống nhất các ưu tiên của ASEAN và APEC trong năm nay để một mặt đạt kết quả cao nhất, mặt khác nâng được vị thế của ASEAN trong các diễn đàn khu vực và đa phương.

Ví dụ như trong APEC, Việt Nam đang cùng các nước thúc đẩy sáng kiến cắt giảm 10% chi phí giao dịch trong thương mại quốc tế, phối hợp với nước chủ nhà Philippines lồng mục tiêu này vào các hoạt động của ASEAN nhưng với lộ trình thực hiện thậm chí còn nhanh hơn trong APEC. Sáng kiến này đã được các nước ASEAN đánh giá cao và coi đây là một kết quả cụ thể của ASEAN để tạo được các lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, về hợp tác song phương với Phillipines, hai bên đã thống nhất được một số định hướng quan trọng. Tại hội nghị lần này, Philippines và Việt Nam đã có cuộc trao đổi chính thức cấp Bộ trưởng để xác định một số nguyên tắc, giao Ủy ban Hỗn hợp hai nước gặp nhau trong tháng tới để triển khai.

Đoàn ta cũng đã đến chào Chủ tịch Thượng viện Philippines Koko Pimentel và một số Thượng nghị sĩ để báo cáo các kết quả làm việc giữa hai bên và xác định một số lĩnh vực ưu tiên cần có cơ chế hợp tác ổn định hơn trong thời gian tới. Trong các cuộc gặp song phương, hai bên đều đánh giá cao kết quả hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian vừa qua.

Ví dụ như việc Việt Nam đảm bảo cung ứng được gạo với số lượng lớn, giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo đã góp phần để Philippines duy trì an ninh lương thực và đảm bảo người nghèo có thể tiếp cận đến nguồn lương thực thiết yếu. Do vậy, lãnh đạo Philippines khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam, thúc đẩy việc thực hiện tốt các thỏa thuận ở cấp Chính phủ về gạo.

Thứ ba, Việt Nam đã cùng EU thống nhất một số lĩnh vực hợp tác. Hai bên đã cùng thống nhất lộ trình để tiến tới sớm ký kết và đưa Hiệp định FTA Việt Nam – EU vào thực hiện trong thời gian tới, báo cáo lên lãnh đạo hai bên trong thời gian sớm nhất để có thể có được các quyết sách cần thiết.

EU cũng đã đồng ý mời đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sang EU để giải quyết khó khăn cho ngành gạo và hạt tiêu của Việt Nam do EU dự kiến sẽ ban hành một số tiêu chuẩn mới về an toàn thực phẩm. Với vấn đề kinh tế thị trường, EU cũng đã khẳng định sẽ không có bất cứ biện pháp phân biệt đối xử nào với Việt Nam và mời đoàn chuyên gia của Việt Nam sang EU làm việc để thể hiện nguyên tắc này trong các chính sách dự kiến sẽ được EU ban hành thời gian tới.

Tuyết Nhung

tuyetnhung