Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Donald Trump đang đẩy EU và Trung Quốc xích lại gần nhau?
Quốc tế - Ngày đăng : 18:07, 20/03/2017
Tân tổng thống Mỹ Donald Trump đang gần như trở thành chất xúc tác khiến Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc xích lại gần nhau về hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề về những tranh chấp thương mại giữa hai bên vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua.
Khi mà tổng thống Donald Trump ngày càng có những dấu hiệu cho thấy ông nghiêm túc trong việc thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” (America First), thì thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tuyên bố mạnh mẽ hơn bao giờ hết về những cam kết thúc đẩy tự do thương mại giữa hai bên. Trong cuộc điện đàm trực tiếp vào tuần trước, một sự đồng thuận đã được thiết lập giữa bà Merkel và ông Tập về một sự tiếp tục hợp tác tin cậy giữa hai nền kinh tế.
Đây được xem là những dấu hiệu nồng ấm đặc biệt trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Đức cũng như EU trong nhiều năm trở lại đây. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, nỗi lo lắng của EU về Trung Quốc ngày càng tăng khi hàng dệt may giá rẻ của nước này đã đe dọa nghiêm trọng các nhà sản xuất nội địa ở châu Âu, căng thẳng tiếp tục trầm trọng thêm khi mối đe dọa đó mở rộng ra hàng loạt các lĩnh vực khác mà Trung Quốc có ưu thế: năng lượng mặt trời, sản xuất thép, và thậm chí là cả xe đạp. Chính điều này là một trong những lý do các đảng phái cực hữu tại nhiều nước thành viên EU ngày càng gia tăng ảnh hưởng với những lời hứa sẽ gia tăng mức áp thuế và hạn chế hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Wang Yiwei, giáo sư Quan hệ quốc tế tại đại học Renmin ở Bắc Kinh đồng thời là một cựu quan chức thương mại của Trung Quốc ở châu Âu, cho biết: “Vẫn còn rất nhiều trở ngại trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Trung Quốc không coi châu Âu như một đối tác để đối trọng với Mỹ, và hợp tác kinh tế với châu Âu có thể giúp Trung Quốc tránh những mặt trái vốn rất dễ phát sinh trong quan hệ kinh tế với Mỹ”.
Mối quan hệ kinh tế tay ba giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc gần như sẽ trở thành vấn đề quan trọng nhất trong hệ thống thương mại thế giới trong kỷ nguyên sau khi tổng thống Donald Trump nhậm chức. Trung Quốc đang tìm cách xích lại gần châu Âu khi chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ có một chuyến thăm Đức trong năm nay, thì Mỹ lại có dấu hiệu đi ngược lại khi các chính sách thương mại sắp tới của chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ có xu hướng chỉ trích Đức. Ở thời điểm hiện tại, cả Đức và Trung Quốc đều đang nằm trong danh sách các nước có dấu hiệu thao túng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu một cách không công bằng của chính quyền Trump. Cố vấn thương mại hàng đầu của Donald Trump, giáo sư Peter Navarro đã gọi Trung Quốc là kẻ lừa đảo thương mại lớn nhất thế giới, đồng thời cũng cho biết việc giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại với Đức là một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay của Nhà Trắng. Trong cuộc gặp gỡ chính thức tại Nhà Trắng vào giữa tháng này, ông Trump được cho là liên tục đưa ra những lời phàn nàn về sự thiếu công bằng trong thỏa thuận thương mại giữa hai bên với bà Merkel.
Theo các quan chức thương mại ở Berlin, việc ông Trump chú trọng đến nền kinh tế nội địa Mỹ nhiều hơn có thể khiến EU và Trung Quốc xích lại gần nhau, thậm chí đủ để tháo gỡ các căng thẳng giữa hai bên đã tồn tại hàng thập kỷ qua. Ông Hosuk Lee Makiyama, giám đốc trung tâm Kinh tế Chính trị quốc tế châu Âu tại Brussel, cho biết: “Sớm hay muộn thì hai cường quốc kinh tế này cũng sẽ bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Nó có thể diễn ra trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa”.
Tuy nhiên, dù có những thuận lợi rõ rệt như vậy, nhưng việc EU và Trung Quốc thiết lập một thỏa thuận thương mại song phương vẫn được xem là còn rất nhiều chướng ngại vật. Trước hết là sự nghi ngờ của EU về sự sẵn sàng cam kết của phía Trung Quốc: các chính sách xuất khẩu gây ảnh hưởng xấu đến nhiều ngành sản xuất châu Âu của Trung Quốc vẫn chưa được chỉnh sửa như EU mong muốn. Ngay từ năm 2005, đã có khoảng 75 triệu sản phẩm dệt may của Trung Quốc bị giữ lại ở các cảng châu Âu do những lo ngại về việc các nhà sản xuất nội địa không thể tiếp tục cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ nước này. Hơn một thập niên sau đó, sự căng thẳng vẫn chưa chấm dứt, trong năm 2016 tổng cộng 28 nước thành viên EU đã chịu một khoản thâm hụt thương mại lên tới 175 tỉ euro (khoảng 188 tỉ USD) với Trung Quốc, trong khi mất 3 năm đàm phán giữa Brussel và Bắc Kinh về một thỏa thuận đầu tư cho phép các công ty châu Âu mở rộng hoạt động tại Trung Quốc lại gần như không đạt kết quả gì.
Trong tuần trước, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi châu Âu chấp nhận một thỏa thuận đầu tư song phương, nhưng thực tế là các cuộc đàm phán đang dậm chân tại chỗ. Trở ngại chủ yếu là do sự thiếu công bằng giữa hai bên: trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc đang thu mua đủ thứ ở châu Âu từ sân bay ở Đức, cảng biển ở Hy Lạp cho tới các hãng sản xuất lốp xe Ý thì ngược lại, các nhà đầu tư châu Âu bị cản trở và hạn chế nghiêm trọng trong việc xâm nhập thị trường Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc cũng cho rằng nước này có đủ lý do chính đáng để phàn nàn về chính sách của EU. Trước hết là việc EU chưa công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường – một chứng nhận có thể giúp hàng hóa Trung Quốc tránh bị kiện tụng về bán phá giá hoặc bị tăng mức áp thuế vào thị trường châu Âu. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xem xét việc EU áp thuế chống bán phá giá với hàng hóa Trung Quốc có vi phạm các quy tắc quốc tế hay không. Ở thời điểm hiện tại, Donald Trump đang cung cấp một cơ hội hiếm có để Trung Quốc và EU xích lại gần nhau cũng như gỡ bỏ căng thẳng thương mại giữa hai bên, nhưng nó vẫn mới chỉ dừng lại ở mức cơ hội mà thôi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)