Giải pháp nào để chấm dứt tình trạng trục lợi từ cổ phần hóa?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:37, 20/03/2017

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều lỗ hổng khiến không ít người trục lợi bằng cách thâu tóm cổ phần, định giá thấp giá trị doanh nghiệp…

Trục lợi từ cổ phần hóa

Tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chứcmới đây, lý giải cho việc nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu tài sản “khủng” trong quá trình cổ phần hóa, ông Nguyễn Duy Long -Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp (Cục Tài chính doanh nghiệp) cho rằng,hiện tượng thâu tóm cổ phần là do quá trình thực hiện bán vốn tại công ty cổ phần.

Theo quy định về cổ phần hóa được thực hiện thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo doanh nghiệp được mua cổ phần ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực Nhà nước như đối với tất cả cán bộ, không phân biệt là lãnh đạo doanh nghiệp hay nhân viên. Cụ thể, mỗi năm làm việc trong khu vực Nhà nước được mua 100 cổ phần ưu đãi giá bán bằng 60% trên cơ sở giá bán thấp nhất của giá đấu thành công.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, chính sách bán ưu tiên cho nội bộ công ty có vẻ nhân văn, nhưng nhìn nhận lại thì đây là điều dở chứ không phải điều hay.

Chuyên gia này nói, khi cổ phiếu bị định giá thấp, được bán với mức giá ưu đãi thì người công nhân mua cổ phiếu đó chỉ nghĩ giá trị của nó có chừng đó thôi, chứ không biết giá trị thực của nó. Ví dụ, mỗi cổ phiếu có giá trị 10.000 đồng nhưng được bán cho công nhân với giá ưu đãi là 5.000 đồng thì công nhân chỉ nghĩ cổ phiếu đó chỉ có giá trị 5.000 đồng, chứ không biết giá trị thực của cổ phiếu đó ngoài thị trường.

Khi cổ phiếu ở mức thấp, nhiều công nhân đã mang cổ phần của mình ra bán. Vì doanh nghiệp chưa được niêm yết, chưa có cơ chế mua đi bán lại theo cơ chế thị trường nên những người công nhân thường tìm đến những người quen trong doanh nghiệp để bán lại.

“Những người lãnh đạo doanh nghiệp vừa có nhiều vốn, mua được nhiều cổ phần với mức thấp, giờ lại mua được cổ phần của công nhân bán lại thì bỗng dưng họ và gia đình sở hữu một lượng lớn cổ phiếu. Doanh nghiệp sau khi cổ phẩn hóa hoạt động khá lên thì họ sẽ có một khối tài sản lớn”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, chỉ đơn thuần mua lại cổ phần thì cũng không vi phạm pháp luật, có chăng vấn đề nằm ở nguồn tiền mà các cán bộ, công chức mua cổ phần có rõ nguồn gốc, minh bạch hay không mà thôi.

Theo ông Thịnh, vẫn có tình trạng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cố tình hạ giá trị cổ phiếu doanh nghiệp xuống để trục lợi trong quá trình cổ phần hóa. Ngay cả việc định giá tài sản đất đai để đưa vào cổ phần hóa vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều lô “đất vàng” có giá thị trường rất cao, nhưng đưa vào xác định thành giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại thấp.

Cần minh bạch, triệt để hơn nữa

Nói tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, việc ưu tiên bán cổ phần theo thỏa thuận trước đây đã dẫn tới hiện tượng mua bán cổ phần trong nội bộ doanh nghiệp, như trường hợp gia đình lãnh đạo Điện Quang sau này sở hữu số cổ phần trị giá hàng trăm tỉ.

Tuy nhiên, từ năm 2015, cơ chế này đã được thay đổi, không còn việc ưu tiên bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước thông qua thỏa thuận nữa.

Theo đó, cổ phần doanh nghiệp nhà nước trước tiên phải được đưa ra bán đấu giá công khai, nếu không thành công thì đưa ra chào bán giá cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện). Khi cả 2 bước trên không thành công mới bán cổ phần theo thỏa thuận.

“Đã đấu giá công khai thì người mua cũng được công khai và cạnh tranh sòng phẳng với nhau. Điều này tránh việc thoả thuận giữa 2 bên, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước muốn bán cho người này nên xây dựng chính sách, điều kiện có lợi cho họ”, ông Tiến khẳng định.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, để tránh việc lãnh đạo doanh nghiệp hạ thấp giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa, Nhà nước cần kiểm tra, giám sát doanh nghiệp để hoạt động theo đúng năng lực; xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Khi tiến hành cổ phần hóa thì phải định giá theo giá thị trường chứ không định giá theo giá Nhà nước.

“Nhà nước không cần phải nắm giữ phần lớn cổ phần ở các doanh nghiệp, đồng thời phải tiến hành ngay đại hội cổ đông sau khi cổ phần hóa để các cổ đông có quyền bầu ra hội đồng quản trị cho mình”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Duy Long, Dự thảo Nghị định mới về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần sẽ điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá.

Bên cạnh đó, đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, trong đó tính cả giá trị về lợi thế thương mại của quỹ đất vào giá trị đất đai khi cổ phần hóa, hạn chế việc lợi dụng cổ phần hóa để ôm đất vàng giá rẻ.

Về phương thức bán cổ phần lần đầu, ông Long cho biết, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định có thêm phương pháp dựng sổ. Đây là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành để xác định giá cuối cùng.

Lê Nguyễn

Trí Lâm