HLV Petrovic: Trọng tài đã vô tình giết chết bóng đá Việt Nam
Thể thao - Ngày đăng : 18:20, 20/03/2017
HLV Petrovic ngồi trầm ngâm trong quán cafe ngay trong khuôn viên sân vận động Thanh Hoá. Gương mặt ông đượm buồn vì vẫn chưa nuốt trôi thất bại 1-2 trên sân của Hà Nội, trận thua đầu tiên của đội bóng xứ Thanh tại V-League 2017.
Sau ba tháng sang Việt Nam, đây là lần đầu tiên chiến lược gia từng vô địch C1 (tiền thân của giải Champions League) nhận lời trả lời phỏng vấn. Ông bảo mình đến để làm việc, để giành kết quả chứ không phải để nói.
- Ông nghĩ sao về hành động phản ứng quyết liệt với trọng tài khi Thanh Hoá không được công nhận bàn thắng ở phút 88 trong trận đấu với Hà Nội?
- Sau khi trận đấu kết thúc, tôi xem lại băng hình. Tình huống đó quả thực là Bật Hiếu đã việt vị trước khi bóng vào lưới Hà Nội. Trọng tài đúng khi không công nhận bàn thắng. Tôi sai khi phản ứng.
Tôi muốn xin lỗi trọng tài biên, ông ấy đã phất cờ bắt việt vị đúng trong tình huống đó.
- Thế còn trọng tài chính Hiền Triết thì sao thưa ông?
- Tôi là người trầm tính, ít phản ứng trọng tài. Đây là lần đầu tiên trong 35 năm cầm quân của mình tôi phản ứng như vậy. Điều này là có lý do của nó. Trước tình huống gây tranh cãi trên, ông Hiền Triết đã có những pha bắt không chuẩn, bất công với Thanh Hoá khiến tôi ức chế.
Phút 46, cầu thủ của tôi tạt bóng, cầu thủ chủ nhà dùng tay ngăn cản. Trọng tài đứng cách đó chưa tới 10 mét nhưng không thổi phạt đền. Nếu bắt chuẩn, chúng tôi được hưởng một quả đá phạt đền, tỷ số là 2-0 thì trận đấu coi như kết thúc.
Ngược lại, tôi đã xem đi xem lại băng hình và khẳng định quả thổi phạt 11 mét với Thanh Hoá ở phút 23 là thiếu chuẩn xác. Bật Hiếu nằm sân trước khi bóng nảy cột dọc chạm người anh ta. Quả đó bóng vào đùi cầu thủ tôi chứ không phải tay.
Tôi xem lại trên truyền hình, thấy trước khi hiệp hai bắt đầu, trọng tài Hiền Triết đứng nói chuyện với cầu thủ Hà Nội khoảng hai phút. Tôi không nói họ làm gì mờ ám nhưng là trọng tài thì không nên như thế, sẽ gây cảm giác ức chế cho đội khác.
Ngày tôi mới đến, tôi thấy trọng tài Việt Nam đứng tuyên thệ bắt công tâm. Tôi mừng lắm, chưa thấy ở đâu có chuyện này. Sau đó một số vòng tôi còn lên tiếng khen họ bắt tốt hơn cả trọng tài ở châu Âu. Nhưng gần đây các trọng tài đã đánh mất niềm tin. Họ làm sao thì làm, đừng để chết bóng đá Việt Nam, đừng giết chết tình yêu của người hâm mộ. Nhân đây tôi xin lỗi 7.000 CĐV đã lặn lội từ Thanh Hoá ra Hà Nội tiếp lửa cho đội nhà. Chúng tôi thua, không đáp ứng được kỳ vọng của họ.
- Ông nghĩ sao nếu bị phải nhận án phạt nặng, treo quyền chỉ đạo trong những trận tới?
- Tôi phản ứng sai, tôi chấp nhận án phạt. Tôi hi vọng đó là án phạt tiền chứ không phải là cấm chỉ đạo. Trên sân, tôi cũng chỉ lao đến hỏi vì sao trọng tài không công nhận bàn thắng của Thanh Hoá, tôi không động đến người họ. Thêm nữa, đây là lần đầu tiên tôi phản ứng với trọng tài trong thời gian làm việc tại Việt Nam.
Ngay khi trọng tài chính truất quyền chỉ đạo của tôi, tôi cũng tuân thủ. Nếu lúc đó tôi còn ở băng ghế chỉ đạo, không bao giờ có chuyện Thanh Hoá phải nhận bàn thua thứ hai, chịu thất bại đầu tiên ở mùa giải năm nay.
- Kể từ khi đến với Thanh Hoá, ông đã giúp đội bóng này tiến bộ thấy rõ, bất bại chín trận liên tiếp và trở thành ứng cử viên cho ngôi vô địch. Bí quyết của ông là gì?
- Thứ nhất, tôi ưu tiên củng cố hàng thủ. Tôi tìm hiểu kỹ Thanh Hoá mùa trước, tôi thấy họ có hiệu suất ghi bàn tốt, nhưng cũng để thủng lưới nhiều. Tôi nói với cầu thủ rằng nếu mỗi trận cứ thủng một-hai quả như vậy thì sao có thể giành thành tích cao hay vô địch được. Đội cần giữ sạch lưới nhà trước khi tính tới chuyện xuyên thủng mành lưới đối phương. Tôi vẫn đang buồn vì chín trận trước đội chỉ để lọt lưới bốn bàn mà trong trận đấu với Hà Nội lại phải nhận hai bàn thua.
Trong quãng thời gian tôi dẫn dắt Red Star Belgrade, Jose Mourinho từng đến học việc. Tôi cũng dạy cậu ta về cách cho đội bóng chơi phòng ngự trước rồi mới dạy về triển khai tấn công.
Thứ hai, ở Thanh Hoá, tôi dạy cho các cầu thủ rằng họ không thể chơi như họ thích, mà chơi theo ý muốn, theo chiến thuật của tôi. Điển hình như số sáu Thế Dương. Lần đầu tôi tung cậu ấy vào sân, cậu ấy chơi theo ý mình, không đâu ra đâu. Tôi tuyên bố chơi theo mong muốn của tôi hoặc nghỉ. Sau đó tôi trao lại cơ hội cho cậu ấy thể hiện và giờ thì khác hoàn toàn. Trong đội bóng không thể mạnh ai nấy đá, phải theo một chiến thuật chung.
Thứ ba, đó là làm việc hết mình. Tôi mê bóng đá, nghiện bóng đá, ăn ngủ cùng nó và tôi muốn các cầu thủ cũng như vậy. Từ khi sang Việt Nam, tôi đã thay đổi cách làm việc của đội Thanh Hoá. Một tiếng trước khi tập, tôi yêu cầu toàn ban huấn luyện họp, phổ biến những gì họ phải làm để tập cùng các cầu thủ. Cứ làm việc hết mình, thành công sẽ đến.
- Ông đánh giá sao về cơ hội vô địch của Thanh Hoá? Đâu là đối thủ lớn nhất của đội trong cuộc đua tới ngai vàng?
- Chúng tôi phải cố gắng từng trận một. Để có được thành tích cao, chúng tôi phải bổ sung thêm hai-ba cầu thủ trong giai đoạn giữa mùa. May mắn là tại đây tôi được lãnh đạo ủng hộ, có toàn quyền quyết định mọi chuyện trong đội bóng. Đối thủ lớn nhất, đương nhiên là đương kim vô địch Hà Nội.
- Ông là HLV nổi tiếng, từng vô địch C1 năm 1991 cùng Red Star Belgrade, tại sao lại quyết định đến Việt Nam?
- Tôi từng làm việc ở Trung Quốc nên cũng có cơ hội xem SEA Games, ASIAD, vòng loại World Cup, có các đội tuyển Việt Nam. Tôi thấy bóng đá ở đây đang có bước phát triển và tôi tự hỏi tại sao lại không đến đây thử nhỉ. Tôi có thể về Serbia và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng tôi đã ở đó quá lâu. Tôi thích những thử thách mới.
Tôi đến Việt Nam không phải vì thức ăn, vì tiền, vì phụ nữ, tôi đến vì bóng đá. Tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người dân Thanh Hoá càng làm tôi máu hơn. Xin các trọng tài đừng giết chết đam mê của tôi.
Sau quãng thời gian ở đây, tôi đã bắt đầu yêu bóng đá Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà suốt ba tháng qua tôi chỉ cắm đầu vào công việc, giúp bóng đá Thanh Hoá, không một lần về thăm vợ, con và ba đứa cháu nhỏ.
Lâm Thoả