Không ngạc nhiên khi ông Trịnh Văn Quyết đứng ngoài danh sách tỉ phú Forbes
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:19, 22/03/2017
Theo danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2017 do tạp chí Forbes vừa công bố, ngoài ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, Việt Nam đã có thêm một tỉ phú đô la nữa. Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng có tên trong danh sách này. Hiện tài sản của ông là 2,4 tỉ USD, đứng thứ 867 thế giới, tăng 0,6 tỉ USD so với năm ngoái. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên bà Thảo được đưa vào danh sách này, với tài sản 1,2 tỉ USD, đứng thứ 1.678 thế giới.
Tuy nhiên, dư luận có nhiều khó hiểukhi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC lại không có trong danh sách tỉ phú mà Forbes công bố. Mặc dù, ông Quyết đang nắm giữ hơn 289,55 triệu cổ phiếu ROS (chiếm 67,34% vốn điều lệ FLC Faros) và hơn 114,18 triệu cổ phiếu FLC (chiếm 17,9% vốn điều lệ FLC). Với thị giá ROS và FLC trên thị trường hiện nay, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết vào khoảng 44.000 tỉ đồng, tương đương gần 2 tỉ USD.
Giải thích cho điều này, Forbes cho biết phương pháp định giá tài sản của các tỉ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ.
Bên cạnh đó, Forbes cũng tiến hành phỏng vấn nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, những cá nhân liên quan tới các tỉ phú để để ước tính tài sản của họ.
Trả lời báo chí về trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, Giám đốc truyền thông Forbes châu Á Janelle Kuah khẳng định: “Hiện nay, Forbes vẫn trong quá trình theo dõi khối tài sản của Trịnh Văn Quyết. Tính tới thời điểm này, ông Quyết vẫn chưa được xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào mà Forbes xếp hạng”.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, một chuyên gia tài chính cho rằng, việc ông Trịnh Văn Quyết không có tên trong danh sách tỉ phú đô la cũng không có gì lạ. Lý do, Forbes là một tạp chí uy tín, luôn xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng. Để công nhận một tỉ phú, họ thường có quá trình dài theo dõi về nguồn gốc tài sản.
Theo đó, tài sản phải có căn cứ chứng minh đầy đủ là của cá nhân đó. Họ tính tài sản không chỉ dựa trên giá trị vốn hóa cổ phiếu trên sàn chứng khoán mà còn nhiều tài sản liên quan khác nữa. Bên cạnh đó, các tài sản mới phải có một khoảng thời gian đủ dài để phản ánh tính ổn định chứ không phải nóng lên một cách nhất thời.
“Đối với ông Trịnh Văn Quyết, tài sản hiện thời, chủ yếu là tài sản cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nay thế này mai thế khác, tăng trưởng chóng mặt. Có thể đối với họ, khối tài sản này không đảm bảo được tính bền vững và uy tín nên họ cần thêm thời gian để quan sát, đánh giá. Nếu sau vài năm mà vẫn tăng trưởng mạnh như thế, tài sản đó có cơ sở thì có thể họ sẽ đưa anh ấy vào danh sách”, chuyên gia này nói.
Theo chuyên gia này, trên thế giới có nhiều tỉ phú lắm, bởi vì khi các ngân hàng công bố danh sách người gửi thì có người gửi hàng tỉ USD, nhưng vấn đề là người đó không có căn cứ nào để chứng minh số tiền đó là hoàn toàn của họ cả. Do đó họ không được xếp hạng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long nói với báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh rằng, việc ông Trịnh Văn Quyết dù được xếp vào những người giàu nhất Việt Nam nhưng không có tên trong danh sách tỉ phú của Forbes cũng không có gì quá ngạc nhiên.
“Tiền của họ thu rất nhiều nơi, giá trị tài sản lên đến 1,5 tỉ USD nhưng các yếu tố khác thì chưa ai rõ”, ông Long nhận xét.
Hoài Phong